Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới

Mùa dịch bệnh gây ra nhiều biến động cho xã hội nhưng trong điều kiện bình thường mới này, ta mới thấy, những lề lối, phép tắc vẫn luôn là chiếc phao cứu sinh hữu hiệu để vượt qua gian khó. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các cấp các ngành chức năng đã hết sức nỗ lực, dân công sở càng phải phát huy hơn nữa văn hóa trong cơ quan bằng hai Bộ Quy tắc ứng xử để vừa chống dịch, vừa phát triển, vừa xây dựng nên một bản sắc văn hóa Hà Nội đậm chất “thời Covid-19”.
Công nhận "Chợ tình Khâu Vai" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia TP Hải Dương: Phát động cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi "Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19" Ứng xử văn hóa để gia đình mãi là điểm tựa yêu thương

Bài 1: Thay đổi để phòng chống dịch

Có thể nói, những năm tháng này, Hà Nội cũng như cả nước đang đặt mình vào trạng thái “thời chiến”. Nghĩa là mọi thứ phải thay đổi, phải thích ứng, uyển chuyển, linh hoạt để đảm bảo an toàn và phát triển. Các cơ quan công sở, mỗi ngôi nhà, từng tổ dân phố, từng địa điểm đều là pháo đài. Trong mỗi “pháo đài” ấy, bê tông cốt thép là kỷ luật, pháp luật, còn văn hóa ứng xử chính là những phụ gia để cố kết những vật liệu thêm vững bền.

Làm quen những bất tiện…

Làn sóng Covid-19 thứ 4 lần này diễn ra lâu hơn, quy mô rộng lớn hơn, gây khó khăn cho toàn bộ các cơ quan, công sở. Như TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nói: “Trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành thì “bình thường mới” là “sống chung với dịch” và “chống dịch như chống giặc”, vừa chống dịch vừa phát triển như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”. Mọi hoạt động vẫn phải tiếp diễn, không thể “đóng băng” chờ dịch bệnh đi qua.

Từ đầu tháng 5 đến nay, đã có những cơ quan, công sở trên địa bàn Hà Nội phải tạm ngừng hoạt động, phong tỏa do có những ca bệnh, chùm ca bệnh lây nhiễm phức tạp. Cũng có những địa điểm khi có ca nghi nhiễm đã phong tỏa tạm thời một, hai ngày đêm. Đó là điều hết sức lo ngại, bởi lao động sản xuất là gốc rễ của sự phát triển xã hội. Ngừng làm việc không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến những mắt xích quan trọng khác của guồng quay kinh tế. Dù vậy, để đảm bảo chống dịch thì vẫn phải dùng biện pháp mạnh với những trường hợp này.

Trong khi đó, những cơ quan khác đã có những sự biến chuyển rất lớn. Nếu ở những làn sóng trước, chỉ một số nơi thực hiện việc giãn cách, làm việc tại nhà thì nay đặt mình vào thế chủ động hơn. Dù thành phố không ban hành chỉ thị giãn cách, ngay từ đầu tháng 5, khi các cơ quan chuẩn bị quay trở lại làm việc sau kì nghỉ lễ 30/4, 1/5, lúc dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều đơn vị đã “đi trước một bước”, yêu cầu những bộ phận có thể làm việc online thì không phải đến trụ sở.

Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới
Không gian làm việc mùa dịch được "dịch chuyển" về nhà

Sau những ngày nghỉ ngơi, ngao ngán vì dịch bệnh quay trở lại, dù đây là điều có thể lường trước được, chị Vân (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy thực sự may mắn vì lãnh đạo cơ quan nhanh nhạy, quyết đoán. “Người từ các địa phương đổ về, đi qua bao nhiêu nơi công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, tiếp xúc bao nhiêu người, nguy cơ lây nhiễm là quá lớn.

Nếu đi làm vào lúc ấy thì thực sự rất nguy hiểm. Mình rất cảm ơn lãnh đạo cơ quan vì tạo điều kiện cho anh em làm việc tại nhà. Tất nhiên, vì nhận thức được vấn đề nên mình và đồng nghiệp đều hết sức trách nhiệm, không vì thế mà lơ là, làm việc riêng. Tất cả đều tập trung, nỗ lực để hoàn thành công việc tốt như, thậm chí tốt hơn lúc đi làm tại trụ sở”, chị Vân cho biết.

Sau 2 tháng làm việc tại nhà, chị Thảo (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) không những tỏ ra buồn chán mà còn cảm thấy rất tiện lợi. Thay vì ngày hai buổi len lỏi trên đường đi làm và đi về, chị dùng thời gian ấy vào việc thu xếp việc nhà để ngồi vào máy tính làm việc đúng giờ. Không phải chịu cảnh chen chúc, vội vã trong thời tiết có lúc nóng lên đến gần 60 độ hay mưa xối xả ngoài đường, chị cảm thấy khỏe khoắn hẳn lên.

Chị Thảo cho biết: “Tất nhiên, cũng có những lúc không thể bằng làm việc trực tiếp tại cơ quan nhưng dịch bệnh thế này không phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều là mừng lắm rồi. Bởi đằng sau mỗi người là cả gia đình, cả khu phố, nếu không biết tự điều tiết cảm xúc, nhu cầu cá nhân thì không thể sống an toàn trong mùa dịch bệnh này.

Thay vì giao tiếp với nhau trực tiếp, đồng nghiệp vẫn “gặp” nhau hàng ngày qua internet. Ở một góc độ nào đó, điều này giảm bớt thị phi vì bớt buôn chuyện, lại thấy nhớ nhau hơn, làm việc trách nhiệm hơn để mong sớm đến ngày gặp lại”.

... để vượt dịch an toàn

Đối với các đơn vị phải làm việc trực tiếp, công tác phòng, chống dịch được bảo đảm và ưu tiên hàng đầu. Chị Tuyết (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít những người đi làm tại trụ sở. Phần lớn cơ quan giãn cách, làm việc online, công sở vắng lặng hơn, ngay cả với người làm việc tại đây, sự trao đổi công việc vẫn chủ yếu là bằng internet, điện thoại.

“Bữa ăn tại bếp cơ quan cũng phải chia giờ, người ăn trước người ăn sau, đảm bảo không tiếp xúc nhiều. Trao đổi công việc bằng tin nhắn, điện thoại, vì thế mỗi người đều phải tập trung vào công việc hơn, không bị phân tán bởi người xung quanh hay bởi những chuyện tào lao như trước đây. Nói không buồn thì không đúng, nhưng đây là biện pháp an toàn nhất mà chúng ta đều phải thực hiện”, chị Tuyết chia sẻ.

Sau những khó khăn ban đầu, các cuộc họp trực tuyến được tổ chức ngày càng hiệu quả giúp công việc vẫn thông suốt mà hiệu quả phòng dịch cao. Ý thức của mỗi cán bộ nhân viên được nâng cao, làm theo kiểu cố gắng “hết việc chứ không hết giờ”.

Những cuộc họp cũng thực hiện giãn cách
Những cuộc họp cũng thực hiện giãn cách

Anh Phương (ở quận Long Biên, Hà Nội) tâm sự: “Trước đây khi đi làm, đến giờ là cứ ngấp nghến nhìn đồng hồ về đón con hoặc lựa giờ tránh tắc đường. Giờ làm việc tại nhà cũng có cái hay, các cháu nghỉ hè hết, không phải tốn gần một tiếng đồng hồ len lỏi trên đường, mình giành thời gian ấy cho công việc. Đã quá hiểu dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào nên mình nỗ lực làm nhiều hơn. Làm nhiều thì sẽ có thêm thu nhập, ngoài việc đóng góp cho cơ quan thì kinh tế trong gia đình cũng vững vàng, yên tâm hơn để vượt qua mùa dịch này”.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: "“Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới.

Dịch bệnh đã thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới, không phải thay đổi nhất thời. “Bình thường mới” không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng, cách thức sống, y tế, giáo dục… làm sao để thích ứng và phát triển. Khi mình xác định được các yếu tố, sẽ có cách ứng phó”.

Chính bởi thế, mọi hoạt động của xã hội thời dịch như thời chiến, tất cả đều phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Với cách “dịch chuyển” không gian làm việc như hiện nay, Hà Nội đã và đang làm tốt điều đó.

(Còn nữa)

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động