Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới

Bài 2: Kỷ luật cứng, văn hóa mềm trong mùa dịch

Trong cuộc chiến với dịch bệnh còn cam go, quyết liệt như hiện nay, tác dụng to lớn của hai Bộ Quy tắc ứng xử càng thể hiện rõ nét. Việc thực hiện tốt hai Bộ Quy tắc này càng giúp công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thêm vững tin, an toàn và phát huy vai trò của mình với văn hóa ứng xử nói riêng và văn hóa Hà Nội nói chung.
Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới Ứng xử văn hóa để gia đình mãi là điểm tựa yêu thương Khai thác sức sáng tạo của giới trẻ trong phát triển công nghiệp văn hóa

Sự thiết thực, gần gũi

Theo TS Nguyễn Đình Cung chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có 5 điểm đặc trưng của “bình thường mới”. Đặc biệt ở điểm thứ nhất là trước đây, khi làm bất kỳ việc gì, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người sẽ nghĩ đến tính hiệu quả đầu tiên nhưng bây giờ, phải song song vừa hiệu quả vừa an toàn. An toàn chính là cái mới. Tất cả các hoạt động trong đời sống đều nghĩ đến khía cạnh y tế. Đối với an toàn trong sản xuất, người ta nghĩ đến dòng cung ứng - chuỗi cung ứng để quy trình sản xuất không đứt gãy.

Điểm tiếp theo, “bình thường mới” đó là khi cuộc sống đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Những yếu tố đó kết hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nên cách thức tổ chức, cấu trúc sản xuất thay đổi; Cách thức tiêu dùng, cuộc sống thay đổi, chuyển sang số hóa, online nhiều hơn.

Tại các văn phòng làm việc, cán bộ công chức, người lao động thực hiện tốt quy định phòng chống dịch
Tại các văn phòng làm việc, cán bộ công chức, người lao động thực hiện tốt quy định phòng chống dịch

Kể từ khi được thành phố ban hành đến nay, hai Bộ Quy tắc ứng xử đã dần dần đi vào cuộc sống, trở thành chiếc la bàn chỉ hướng cho văn hóa Thủ đô. Điều đó thể hiện ở việc, những hiện tượng lệch chuẩn đã được cải thiện rõ rệt. Những tính xấu của một bộ phận “sáng cắp ô đi tối cắp về” đã khắc phục được đáng kể. Nhiều hành động, thói quen nơi công sở, công cộng được chấn chỉnh, sửa đổi để dư luận không còn lên án, phiền lòng như trước.

Chiếc khuôn văn hóa “lạt mềm” mà lại “buộc chặt” ấy đã mang đến những nét đặc trưng riêng cho Hà Nội thời hiện đại thì đùng cái dịch Covid-19 ập đến buộc chúng ta phải linh hoạt, mềm dẻo và tiếp tục xác lập những giá trị mới.

Trải qua ba làn sóng dịch bệnh trước, đặc biệt đến làn sóng thứ 4 này, độ tự giác, cảnh giác, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của cấp trên, của nơi cư trú đã thành phản xạ gần như tự nhiên của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Hà Nội.

Anh Hoan (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiêm nghiệm: “Đừng tưởng dịch bệnh mà… vỡ trận. Thực chất, càng trong lúc như thế này, kỉ luật cứng, văn hóa mềm lại chính là những thứ chúng ta níu vào để không hoang mang, rã đám trước nguy nan. Đây chính là dịp để tôi và đồng nghiệp nhìn lại bản thân mình.

Trước kia, đồng ý là cũng có những lúc tôi buông xuôi, làm việc theo kiểu chống chế. Dịch bệnh đến, chúng ta mới hiểu công việc là quý báu như thế nào. Nó là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Rời xa đồng nghiệp, rời xa công sở một ngày, một tháng là biết ngay bản thân không còn là bản thân nữa. Thế mới biết cơ quan, đồng nghiệp là phần quan trọng của cuộc sống, cũng là tác nhân khiến mình hoàn thiện.

Bây giờ, thử hỏi nếu bạn phải nghỉ việc, không có thu nhập trong vài tháng, một năm thì cuộc sống của bạn sẽ bi đát như thế nào. Vì thế, không có cách nào khác ngoài làm việc chăm chỉ hơn, chấp hành kỉ luật tốt hơn, nỗ lực vì cả tập thể, rộng hơn nữa vì cả Hà Nội thì phần tốt đẹp nhận về chắc chắn trong đó có cá nhân mình”.

Chính bởi thế, sự “bất bình thường” trong “bình thường mới” này đã tạo nên chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ được giao. Dù là không gian làm việc tại nhà hay tại văn phòng, đa phần cán bộ, công chức đều biết sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả.

Sự gần gũi, thiết thực và tác dụng thực sự của hai Bộ Quy tắc này làm thái độ của cán bộ, công chức có sự thay đổi rõ rệt. Bởi lẽ, hai Bộ Quy tắc này được xây dựng vì mỗi cá nhân tốt đẹp, biến chuyển sẽ tạo nên công sở, nơi công cộng, không gian làm việc và sinh sống của mỗi cá nhân tốt đẹp hơn, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.

Chúng ta đã vượt qua những tháng này công sở không đàn đúm tụ tập, quán xá đóng cửa không một bóng người nhậu nhẹt hò dô ầm ĩ, vỉa hè yên ắng rộng thênh thang, thói quen vứt khẩu trang, xả rác bừa bãi bị dẹp bỏ, việc ngồi sát nhau chém gió văng mạng cũng gần như biến mất triệt để. Mong sao, nếp sống này tiếp tục được duy trì ngay cả sau mùa dịch, để trong lòng mỗi người đều vứt bỏ được tảng đá nặng vì rất nhiều nguy cơ sau những hành vi, thói quen xấu này.

Lửa tiếp tục thử vàng

Đặc biệt, trong mùa dịch, hai Bộ Quy tắc này càng cần được phát huy, thực hiện nghiêm túc. Đây là giai đoạn kiểm chứng sự cần thiết và tính hiệu quả của nó.

Đối với chị Minh Trang (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) những ngày dịch bệnh là những trải nghiệm mới. Làm việc tại bộ phận hành chính, dù đã áp dụng đầy đủ 5K nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm do chị phải tiếp xúc với nhiều người. Ban đầu, chị vấp phải khá nhiều khó khăn bởi người đến liên hệ công tác không hợp tác.

Chẳng hạn, cơ quan chị đặt một chiếc thùng trước cửa để nhận thư từ công văn, ban đầu những người ship đến chưa quen, cứ lao thẳng vào phòng, khiến chị phải nhắc nhở. Nói với họ là quy định của cơ quan, họ còn vùng vằng khó chịu, bắt phải ra kí nhận rồi chụp ảnh lại vì sợ thất lạc hàng hóa.

Đây là dịp thử thách và kiểm chứng người nhà nước thực hiện tốt hay không hai Bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội
Đây là dịp thử thách và kiểm chứng người nhà nước thực hiện tốt hay không hai Bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội

Ngại nhất là những công dân đến gửi đơn thư. Họ nằng nặc bắt chị phải ra nhận tận nơi, căn vặn chị bao giờ được giải quyết, những ngày sau liên tục đến hỏi, đôi co, thúc giục, thậm chí còn nổi xung lên, sấn sổ đứng sát vào người chị. Chị Trang phải rất vất vả để đảm bảo khoảng cách, lựa lời phân trần giải thích, kiềm chế những bức xúc cá nhân để vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo văn hóa tiếp dân.

“Có trải qua những ngày như thế này mới biết Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, viên chức mà thành phố ban hành hết sức có giá trị. Bình thường mình chỉ hành động theo cảm tính, theo trách nhiệm nhưng có những điều hướng dẫn tại đây, mình còn thấy ở đó cả sự yêu nghề, tình cảm với công việc, với cơ quan.

Ai chả là người, khi bị đặt vào những trường hợp khó xử cũng dễ bộc phát những cử chỉ, hành động thiếu kiềm chế lắm chứ nhưng cứ bám chắc vào bộ quy tắc ứng xử ấy, mình thấy vượt qua trở ngại một cách dễ dàng. Mỗi lần giải quyết xong một việc khó khăn, mình lại cảm thấy vui hơn, biết cách xử lí công việc thế nào cho hiệu quả hơn”, chị Minh Trang tâm sự.

Như vậy để thấy, càng trong những lúc bất thường như thế này, muốn được bình thường thì phải có những thứ bất biến như những Bộ quy tắc ứng xử để làm kim chỉ nam cho mọi hành động được khuôn về quy chuẩn.

(Còn nữa)

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động