Bắc Giang kiến nghị tháo gỡ nhiều nội dung với Bộ trưởng Bộ Công thương
Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn ngày 11/5 đã làm việc với tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp và làm việc với đoàn công tác.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, những năm qua, Bắc Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,3%, đứng thứ 2 toàn quốc. Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 cả nước với mức tăng 8,4% song không đạt như kỳ vọng và thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu |
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 160 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đạt 12,9 tỷ USD, tăng 6,9% cùng kỳ năm trước.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 tính đến nay hơn 9,9 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân chung đến giữa tháng 4 đạt 13,3% so với kế hoạch năm. Tỉnh hiện có 21 dự án xây dựng lớn, trọng điểm ở các lĩnh vực: Giao thông, đô thị, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), dịch vụ và quản lý hành chính.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Giang nêu rõ khó khăn, vướng mắc, nhất là từ quý IV năm ngoái đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu thiếu đơn hàng, thị trường thu hẹp, chi phí nguyên vật liệu, lao động tăng cao.
Nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên. Quá trình khai các dự án đầu tư, xây dựng gặp khó khăn về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phòng mặt bằng chậm… ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đầu tư cũng như kết quả giải ngân các dự án.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020. Trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư dự án hạ tầng CCN; giảm quy định về tỷ lệ lấp đầy và tăng định mức tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các CCN.
Đến nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng CCN. Do đó, một số CCN trên địa bàn tỉnh do các đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Tỉnh Bắc Giang hiện sắp bước vào vụ thu hoạch vải thiều, để tiêu thụ thuận lợi, tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản |
Về đầu tư, hạ tầng năng lượng, Bắc Giang đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện năng lượng tái tạo tỉnh Bắc Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về thị trường, xuất nhập khẩu, Bộ Công thương quan tâm, tạo điều kiện ban hành quyết định thành lập Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tỉnh Bắc Giang hiện sắp bước vào vụ thu hoạch vải thiều, để tiêu thụ thuận lợi, tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; yêu cầu các tỉnh có cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc tạo điều kiện cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi. Bộ Công thương trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và hỗ trợ Bắc Giang quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều tại các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; đưa sản phẩm vải thiều tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Trước nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng lớn, nguồn cung tại một số địa phương không đáp ứng, phải thực hiện các thủ tục về khai thác khoáng sản đối với vật liệu đất đắp, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian dẫn đến tiến độ thi công dự án bị kéo dài và tiến độ giải ngân vốn chậm, tỉnh đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thời hạn để tháo gỡ vướng mắc trong khai thác khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị định hướng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu KT-XH đề ra. |
Ngoài các nội dung trên, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 đối với số vốn ngân sách Trung ương giao bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo tiến độ đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh để Bắc Giang phát triển KT-XH nhanh và bền vững, việc giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là các dự án có diện tích thu hồi đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 29 KCN. Tuy nhiên, qua rà soát hiện nay, các trạm điện có trong quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh còn ít, công suất chưa đáp ứng so với nhu cầu dùng điện trong KCN, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống cấp điện cho phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời nghiên cứu sớm đầu tư xây dựng các trạm điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Trước mắt cần đầu tư ngay các trạm biến áp bảo đảm công suất cấp điện cho KCN Yên Lư, KCN Tân Hưng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bắc Giang trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đồng chí nêu rõ bên cạnh kết quả đã đạt được, kết quả thu ngân sách của Bắc Giang 4 tháng qua đạt không cao, giảm so với cùng kỳ. Tình trạng DN phải cắt giảm lao động, thiếu đơn hàng có thể vẫn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác triển khai dự án đầu tư công gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…Tính chuyên nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chính ngạch không cao. DN tiếp cận vốn ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị định hướng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu KT-XH đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cảm ơn Đoàn công tác của Chính phủ đồng thời mong muốn đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương và Đoàn công tác tới đây quan tâm giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc của tỉnh để tạo ra động lực mới thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững |
Tỉnh Bắc Giang cũng cần tập trung rà soát, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, sớm đưa vào hoạt động. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tỉnh cần tiếp tục rà soát, tích hợp để sớm điều chỉnh quy hoạch tỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Qua đó tạo cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện các dự án, công trình trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp. Đồng thời khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh các đề án chiến lược của địa phương để tích hợp vào quy hoạch; bổ sung quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư.
Cùng đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chính quyền số trong quản lý, giám sát nhằm giảm thời gian cho người dân, DN khi giải quyết thủ tục, thúc đẩy thu hút DN đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương chỉ đạo, điều hành ở các cấp, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường hậu kiểm vừa rút ngắn thời gian thực hiện các công việc vừa nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nằm trong top khá của toàn quốc song kết quả chưa cao, do đó tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời chú trọng nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; tăng cường đối thoại, hỗ trợ tốt nhất các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Tập trung cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn, lưu ý đến viễn thông và logistics; đổi mới nâng cao công tác xúc tiến thương mại; phát triển các kênh thương mại điện tử.
Liên quan đến công tác tiêu thụ vải thiều, đồng chí Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại tính toán hỗ trợ Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua đường chính ngạch.
Đối với các kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu báo cáo Chính phủ thống nhất chỉ đạo trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cảm ơn Đoàn công tác của Chính phủ đã quan tâm chia sẻ với tỉnh Bắc Giang về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển KT-XH. Đồng thời mong muốn đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương và Đoàn công tác tới đây quan tâm giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc của tỉnh để tạo ra động lực mới thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững.