Bắc Giang đã làm gì để vươn lên vị trí á quân trong bảng xếp hạng PCI 2022?
Bắc Giang vượt 29 bậc, xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số PCI Bắc Giang: Dự kiến cần tuyển dụng 20.000 lao động trong quý II/2023 Bắc Giang: Quý I/2023 thu hút 855 triệu USD vốn đầu tư |
Ngày 11/4, tại TP Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Năm 2021, tỉnh Bắc Giang chỉ nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế khá, đạt 64,74 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm 2020 (63,98 điểm); xếp hạng 31/63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, năm 2022, Bắc Giang đã có bước tiến “vượt bậc” khi là địa phương xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng, tăng 29 bậc so với năm 2021 và đạt cao nhất từ trước đến nay với 72,8 điểm, chỉ đứng sau tỉnh Quảng Ninh với 72,95 điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận kỷ niệm chương dành cho 10 tỉnh, TP xuất sắc nhất cả nước về thực hiện PCI năm 2022 |
Để có được kết quả như trên, Bắc Giang đã áp dụng tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” bằng nhiều biện pháp như tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã chú trọng nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính quyền về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chẳng hạn với việc tổ chức liên tục cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” trong năm 2021 và 2022.
Ngoài ra, toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành được cập nhật thường xuyên lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Tỉnh cũng duy trì chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” trên hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang để kịp thời trợ giúp doanh nghiệp về pháp lý.
Đặc biệt, từng đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách mỗi nhóm chỉ số, thường xuyên chỉ đạo, kiểm điểm để thực hiện cải thiện chỉ số. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành quan tâm đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, có tới 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp” hay 76% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp. Đây là các kết quả thuộc nhóm các địa phương tốt nhất cả nước.
Bắc Giang đã áp dụng tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” bằng nhiều biện pháp như tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc |
Với nhiều giải pháp nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đánh giá rất tích cực chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp” của tỉnh Bắc Giang.
Qua phân tích 10 chỉ số thành phần PCI, Bắc Giang có 2 chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là: Chi phí không chính thức với 8 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 8,6 điểm. Tiếp đến là chỉ số tính cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 2; tính năng động tiên phong xếp thứ 3.
Như vậy, tỉnh Bắc Giang đã vươn từ nhóm khá năm 2021 lên nhóm xếp hạng tốt năm 2022, thuộc nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu toàn quốc về chỉ số PCI.
Nhờ đó, một số chỉ tiêu đánh giá về tính minh bạch và thiết chế pháp lý của tỉnh Bắc Giang đã có sự cải thiện đáng kể trong PCI 2022. Chẳng hạn, điểm trung bình chỉ tiêu “mức độ dễ dàng trong tiếp cận tài liệu pháp lý” của tỉnh Bắc Giang xếp hạng 7/63 địa phương, tăng 28 bậc so với kết quả PCI 2021.
Tỉnh Bắc Giang được đánh giá có sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố. Đặc biệt, chi phí không chính thức của doanh nghiệp tiếp tục giảm.