Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, thu hồi tài sản như thế nào?
Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền |
Sau hơn 1 tháng xét xử, TAND TP HCM đã chính thức tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bên cạnh đó, tòa buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến giữa tháng 10/2022, tương đương số tiền hơn 673.800 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài bị cáo Lan, toà tuyên 3 án chung thân về tội tham ô tài sản cho các bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB).
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Dân Trí. |
Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II - Ngân hàng Nhà nước) mức án tù chung thân về tội nhận hối lộ.
Toà cũng tuyên tịch thu số tiền 4,8 triệu USD mà bà Đỗ Thị Nhàn đã nộp, đồng thời buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền tương đương 400.000 USD để sung ngân sách. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng buộc bị cáo Nhàn nộp phạt hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng.
Được biết, đối với số tiền mà các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, Hội đồng xét xử tuyên chuyển cho Ngân hàng SCB. Ngoài ra, toà buộc các bị cáo được bà Lan cho, thưởng phải nộp lại số tiền, đồ vật, cổ phiếu... để đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan.
Đồng thời, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu, hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, những người liên quan khác, để đảm bảo thi hành án...
Với các tài sản, khoản tiền để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm vụ án này và các vụ án của giai đoạn hai) sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu (khoảng hơn 30.000 người dân).
Liên quan đến việc thi hành án vụ án này, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, ngay từ giai đoạn cơ quan điều tra truy tố, các tài sản chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ tài sản để đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này.
Về trình tự, thủ tục thi hành án đối với vụ án này, ông Lợi nêu rõ bản án mới tuyên sơ thẩm, do vậy khi nào bản án có hiệu lực thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thi hành án theo đúng quy định pháp luật.
"Tổng cục Thi hành án dân sự đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tới đây là Cục Thi hành án dân sự TP HCM xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để sẵn sàng ngay khi bản án có hiệu lực thi hành", ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết.
Về việc hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện công tác này.