Anh hùng lao động Thái Hương: “Phải làm một bếp ăn tử tế cho người Việt”
Cái tôi càng ít, thì càng đi xa |
Bà Thái Hương- Chủ tịch Hội đồng chiến lược - Tập đoàn TH (tỉnh Nghệ An) vừa cùng với 2 doanh nhân làm nông nghiệp công nghệ cao khác được phong Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ đổi mới.
Bà Thái Hương-Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới |
“Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới phong tặng cho cá nhân tôi, đồng thời cũng là sự khích lệ, lan tỏa tư duy/cách thức làm nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ 4.0, tư duy kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”, bà Thái Hương nói trước Phó Chủ tịch Quốc hội và hàng ngàn Đại biểu Thi đua yêu nước khác trên toàn quốc.
Trên thực tế, AHLĐ Thái Hương đã cống hiến một mô hình điển hình cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; đã và sẽ góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới bằng nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, với những nông sản xanh - sạch - hữu cơ, cũng là con đường mà thế giới hướng tới.
Hiệu ứng lôi kéo xã hội hướng tới chữ “sạch”
Bà Thái Hương cho biết, bà đã đi vào lĩnh vực thực phẩm một cách tự nhiên, gánh vác sứ mệnh mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sữa nhiễm Melamin độc hại tại Trung Quốc đã có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường sữa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp hình lưu niệm cùng bà Thái Hương và các đại biểu thi đua yêu nước |
Từ 2008, bước chân vào ngành sữa với kiến thức là con số 0, bà Thái Hương đã đầu tư thời gian, tiền bạc, sang các nước có nền nông nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Israel và Châu Âu để tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách làm của thế giới. Và bà đã tìm được chiếc chìa khóa vàng mở bung những sức mạnh tiềm tàng từ đất đai, cây cỏ. Đó là kết hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt với công nghệ đầu cuối của thế giới, khoa học quản trị ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ, trái tim Việt Nam.
Nhưng ngày đầu mới xây dựng trang trại bò sữa đầu tiên ở Nghệ An, bà Thái Hương không quản ngại di chuyển Hà Nội - Nghệ An hàng ngày từ 2h sáng đến 12h đêm, để vừa sát sao công việc tại địa bàn dự án (Nghĩa Đàn, Nghệ An), vừa điều hành công việc kinh doanh tại văn phòng chính ở Hà Nội.
Những khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, con người, thị trường không đánh gục người đàn bà bé nhỏ dám nghĩ lớn. Từng bước, từng bước, bà Thái Hương đã tháo gỡ các nút thắt và đưa dự án của TH tại Nghệ An tiến nhanh thần tốc.
Chính những đối tác Israel đã phải khẳng định rằng: nhiều dự án bò sữa trên thế giới phải mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng bà Thái Hương và TH chỉ mất 3 năm.
“Chú ngựa ô” TH của thị trường sữa năm ấy sau hơn 10 năm phát triển đã trở thành “cây đại thụ” trong làng sữa Việt với “bộ rễ” tỏa rộng từ Bắc vào Nam và “tán cây” còn vươn xa đến nước Nga xa xôi.
Cánh đồng nguyên liệu của tập đoàn TH trở thành một biểu tượng của du lịch nông nghiệp |
Tại Nghệ An, trang trại TH như một công viên khổng lồ trình diễn công nghệ chăn nuôi hiện đại lúc nào cũng rộng cửa cho khách đến tham quan. Những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực rỡ được TH trồng làm thức ăn cho bò đã trở thành một trong những biểu tượng của du lịch Nghệ An, gợi mở những phương thức làm nông nghiệp hiện đại mới.
“Chúng tôi bước vào ngành sữa khi ngành sữa Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới. Giờ đây, TH đã lôi kéo những doanh nghiệp cùng ngành nghề cùng thi đua với nhau để sản xuất những dòng sữa tươi sạch cho người tiêu dùng. Sữa tươi sạch đã trở thành một hiệu ứng lôi kéo xã hội hướng tới chữ “sạch” trong ngành thực phẩm. Chữ “sạch” đó hiện đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, đơm hoa kết trái…”, bà Thái Hương khẳng định.
Khát khao làm một bếp ăn tử tế cho người Việt
“Thiên nhiên đã ban tặng đất nước mình bốn mùa hoa trái xanh tươi, đủ điều kiện để trở thành bếp ăn tử tế cho thế giới, nhưng trước tiên ta phải làm một bếp ăn tử tế cho người Việt đã. Tôi sẽ làm được điều ấy” - Bà Thái Hương nói.
AHLĐ Thái Huơng chia sẻ trong buổi tiếp kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội với các Đại biểu Thi đua yêu nước. |
Khát khao làm được một bếp ăn tử tế cho người Việt đã được bà chia sẻ nhiều lần, lặp lại trong những buổi gặp gỡ báo chí, trong những lần bà mở dự án mới ở vùng rốn lũ Nông Cống (Thanh Hóa) hay những miền biên viễn xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Kontum… Tiên phong khai mở những vùng đất khó, bà Thái Hương một lần lại một lần dùng hành động để khẳng định việc “TH không theo một lối mòn nào mà mở ra một hướng đi…”.
Dây chuyền công nghệ hiện đại Tập đoàn TH đầu tư tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Sơn La |
Trên tiến trình nâng cao chất lượng sản phẩm, Tập đoàn TH đã đầu tư bài bản vào sản xuất thực phẩm hữu cơ (organic), ghi dấu ấn là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tiên phong thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ áp dụng cho sản xuất, chế biến sữa tươi sạch TH true MILK. Cùng với sữa tươi sạch, sữa tươi hữu cơ, TH đầu tư sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ khác như rau hữu cơ, gạo hữu cơ, nước hoa quả, dược liệu, các loại hạt cao cấp tại Việt Nam.
Không chỉ có vậy, từ tư duy “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng nguồn thực phẩm lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng, TH đã đã phát triển các dòng sản phẩm không dùng đường tinh luyện giúp phòng chống các bệnh mãn tính không lây của thời đại như tim mạch, tiểu đường, béo phì… như TH true RICE, TH true NUT.
Với các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe từ trái cây tự nhiên khác, bà Thái Hương không chỉ yêu cầu kỹ càng trong nguyên liệu, công thức sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, mà đã chỉ đạo TH nghiên cứu ứng dụng những công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến. Không sử dụng bất cứ chất hóa học, chất bảo quản nào, nên các sản phẩm đồ uống của TH hoàn toàn tốt cho sức khỏe.
Tại trường TH School, bà Thái Hương đã hoàn thiện một mô hình bếp ăn xanh, sạch, lành mạnh sữa tươi sạch từ trang trại TH và rau củ quả hữu cơ từ đồng đất Việt Nam. Bà từng chia sẻ là sẽ nhân rộng mô hình bếp ăn này, đưa nó trở thành một triển lãm để người dân có thể tham quan, học tập và áp dụng nó vào bếp ăn gia đình.
Bà Thái Hương nói sẽ tiếp tục con đường làm giàu cùng nông dân, đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường Việt và xuất khẩu ra thế giới. Bà xuất khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa sang Liên bang Nga với dự án chăn nuôi bò sữa trị giá 2,7 tỷ USD.
Nông dân các địa phương là một phần không thể tách rời trong kế hoạch mở rộng sản xuất của bà Thái Hương trên con đường nông nghiệp sạch. |
Bà nói bà sẽ không mệt mỏi đi về những vùng gian khó nhất. Ở đó, những cây cổ thụ sẽ được giữ nguyên, phía dưới tán rừng, nông dân sẽ cùng làm giàu với TH bằng việc trồng thảo dược quý. Nước mưa sẽ được giữ lại trong veo, róc rách dưới những tán rừng như thế.