Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay “bừa bãi” gây nợ xấu, hậu quả ai gánh?
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay “bừa bãi”, bất chấp quy định về tín dụng Hàng loạt sai phạm tại Agribank - Bài 8: Yếu kém về quản lý và mối nguy mất vốn hàng chục nghìn tỷ đồng |
Cho vay bất chấp quy định
Như chúng tôi đã thông tin, trong một báo cáo vào tháng 8/2019 của Ban Kiểm tra nội bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chỉ ra rất nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đến thời điểm cuối năm 2018.
Theo báo cáo Ban Kiểm tra nội bộ Agribank, Đoàn công tác, tổ rà soát của ngân hàng đã kiểm tra, rà soát 59 khách hàng, tổng dư nợ 2.331,89 tỷ đồng (chiếm 51% tổng dư nơ cấp tín dụng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội). Toàn bộ hồ sơ được kiểm tra, rà soát có rất nhiều tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành quy định, quy trình cấp tín dụng; chất lượng tín dụng thấp khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao (34,8%/năm), kết quả thu hồi nợ xử lý rủi ro, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thấp.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra đã phát hiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế không đầy đủ theo quy định, chưa đảm bảo tính pháp lý, tiềm ẩn rủi ro cao cho Agribank khi xảy ra tranh chấp; Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay dự án BT trên 50 tỷ đồng không trình Tổng giám đốc phê duyệt chủ trương và phê duyệt cho vay vượt thẩm quyền không trình Tổng giám đốc.
Đồng thời, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng chấm điểm xếp hạng khách hàng không đúng quy định khi chấm điểm tài chính, chi phí tài chính đối với khách hàng không chính xác.
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với khách hàng có nợ xấu, nợ bán VAMC không đúng quy định; thẩm định báo cáo tài chính không chính xác; thẩm định năng lực tài chính, doanh thu, vốn tự có/vốn đối ứng, nhu cầu vốn, mức cho vay không chính xác, thiếu các hợp đồng kinh tế đầu ra, đầu vào...
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng bị phát hiện giải ngân thiếu chứng từ làm căn cứ chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng; giải ngân tiền mặt chưa phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, chi nhánh cũng xác định giá trị tài sản bảo đảm không có căn cứ, không kiểm tra, đánh giá giá trị tài sản bảo đảm theo quy định; không kiểm tra tiến độ hình thành tài sản bảo đảm đối với tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai; không quản lý chặt chẽ tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay; chưa mua bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm theo quy định hoặc tài sản bảo đảm có rủi ro; cho vay vượt phạm vi bảo đảm của giá trị tài sản thế chấp; trên IPCAS (hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng) nhập cho vay không bảo đảm bằng tài sản không phù hợp với hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Đến thời điểm cuối năm 2018, do vi phạm quy trình cấp tín dụng nên Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có nhiều khoản nợ quá hạn, khó thu hồi.
Cụ thể, tại nhóm Công ty Nam Việt (gồm Công ty Đại Hùng, Công ty Thái Dương và Công ty Nam Việt) với tổng dư nợ 202,441 tỷ đồng, các doanh nghiệp này kinh doanh khó khăn nên khoản dư nợ trên thuộc vào nợ nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn), khả năng trả nợ rất khó khăn. Tại nhóm Công ty CP Thủy sản Khu vực I (gồm cả Công ty Cổ phần KEVIN VN) dư nợ 210,052 tỷ đồng, theo đánh giá thì khả năng thanh toán, thu hồi nợ cũng là rất khó khăn.
Tương tự, tại nhóm Công ty APIKA (gồm Công ty CP APIKA, Công ty CP dịch vụ và vận tải MEKONG Hà Nội, Công ty CP TAMTON, Công ty CP BG TAXI) với tổng dư nợ là 130,709 tỷ đồng, do bất chấp quy định về tín dụng, cho vay thiếu kiểm soát nên khả năng thu hồi nợ với nhóm này cũng rất khó khăn. Nhóm Công ty Thái Anh (gồm Công ty CP TMDV du lịch và quảng cáo Thái Anh, Công ty CP Hiệp Hùng, Công ty CP kinh doanh bất động sản Hanhud, Công ty CP TM và XNK Hoàng Sinh, Công ty Việt Anh) với tổng dư nợ 184,386 tỷ đồng) cũng rất khó khăn khi thu hồi nợ...
Hậu quả ai gánh?
Theo tài liệu của phóng viên, trước những vi phạm tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, Ban Kiểm tra nội bộ của Agribank đã có báo cáo đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với những cá nhân liên quan đến vi phạm.
Theo đó, Ban Kiểm tra nội bộ của Agribank xác định, ông Đặng Tiến Dũng - Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã "Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ đối với các chức danh, vị trí công tác theo quy định của Agribank".
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội hầu tòa vì vi phạm quy định cho vay. Ảnh: CAND. |
Đồng thời, ông Dũng cũng đã có hành vi "Vi phạm cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ khác hoặc bất kỳ hành vi nào khác đe dọa thiệt hại hoặc gây thiệt hại về tài sản, lợi ích của Agribank".
Cụ thể, theo kết luận của Ban kiểm tra nội bộ của Agribank, ông Đặng Tiến Dũng đã không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý không đúng quy định, phê duyệt cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng liên quan để cho vay đảo nợ lẫn nhau: Phê duyệt cho vay dự án BT trên 50 tỷ đồng không trình Tổng giám đốc; phê duyệt khoản vay vượt thẩm quyền không trình Tổng giám đốc; phê duyệt cho vay đối với các khoản cấp tín dụng vượt 50% quyền phán quyết của Giám đốc chi nhánh không thông qua Hội đồng tín dụng của chi nhánh...
Với các sai phạm trên, Ban Kiểm tra nội bộ của Agribank đề xuất Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật của Trụ sở chính cách chức đối với ông Đặng Tiến Dũng. Được biết, tháng 11/2019, Hội đồng thành viên Agribank đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đối với ông Đặng Tiến Dũng. Hiện tại, chức vụ Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã do người khác đảm nhiệm.
Ngoài ông Đặng Tiến Dũng, Ban Kiểm tra nội bộ cũng đề xuất kỷ luật cách chức ông Trần Trung Hiếu - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng khách hàng doanh nghiệp của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Theo kết luận, sai phạm của ông Hiếu là chỉ đạo cán bộ đề xuất, kiểm soát trước khi trình Giám đốc phê duyệt cho vay dự án BT trên 50 tỷ đồng không trình Tổng giám đốc; phê duyệt khoản vay vượt thẩm quyền không trình Tổng giám đốc; phê duyệt cho vay đối với các khoản cấp tín dụng vượt 50% quyền phán quyết của Giám đốc chi nhánh không thông qua Hội đồng tín dụng của chi nhánh...
Hiện tại, cá nhân vi phạm quy định về tín dụng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội bị kỷ luật, vậy còn các khoản nợ xấu khó có khả năng thu hồi lên tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng thì hậu quả này ai sẽ gánh, trong khi Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước.
Trước việc cho vay thiếu kiểm soát gây ra nợ xấu tăng cao, dư luận cũng đặt ra vấn đề về việc liệu các bộ phận chức năng tại Trụ sở chính Agribank, đặc biệt là Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Agribank có thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội hay không, bởi bài học lao lý tại chi nhánh nhiều năm trước vẫn còn đó.
Còn nhớ, cuối năm 2016, sau nhiều lần xét xử, gần 20 bị cáo trong đó có các lãnh đạo, cán bộ Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã phải lĩnh án hàng chục năm tù do vi phạm quy định trong cho vay làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại ngân hàng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.