5 di tích lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng Thái Bình
Đền Trần Thái Bình
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh lâu đời gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần có nhiều vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo; Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư...
Đền Trần mùa hội tháng Giêng |
Hơn 700 năm trước, các vua Trần đã cho xây dựng một hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Ninh tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái tổ Trần Thừa... Năm tháng qua đi, lăng mộ các vị vua đầu triều Trần và dòng sông Thái Sư vẫn còn đó. Hơn 7 thế kỷ, nơi đây vẫn là một điểm đến thú vị đối với khách thập phương và Nhân dân bởi những huyền tích đầy bí ẩn của đền Trần.
Lễ hội đền Trần năm 2023 với những nét văn hóa độc đáo thu hút Nhân dân quanh vùng và khách thập phương tham dự |
Hàng năm, Lễ hội đền Trần Thái Bình khai hội vào ngày 13 tháng Giêng với nhiều nghi lễ truyền thống được tái hiện. Hòa mình vào mùa lễ hội năm nay, hàng vạn du khách sẽ có được nhiều trải nghiệm thú vị với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc vẫn còn được người dân địa phương lưu giữ như thi pháo đất, kéo co,...
Đền A Sào
Tọa lạc bên bờ sông Hóa thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền A Sào là nơi thờ cúng, hương hỏa của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng với những lễ hội, nghi thức cổ xưa vẫn được duy trì đến ngày nay.
Bến Tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho tháo cả nhà gỗ lim để tìm cách cứu voi chiến nhưng không kéo được voi lên. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng Hưng Đạo Đại Vương cũng đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông để con voi ở lại vì thế trận quá khẩn trương, gấp gáp. Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này!”.
Quang cảnh Đền A Sào từ trên cao |
Sau ngày toàn thắng, Nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (Đền A Sào). Một ngôi miếu thờ tượng voi tạc bằng đá cũng được dựng lên ven bến sông. Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác.
Bước vào khuôn viên quần thể khu di tích lịch sử A Sào, một bầu không khí mát lành, trầm mặc bao phủ nơi đây, đặc biệt cung cấm đền A Sào có tượng Đức Thánh Trần ngồi đọc sách đầy uy nghi nhưng rất hiền từ, khác với nét lẫm liệt anh dũng thường thấy ở những bức tượng Ngài ở nhiều nơi trên cả nước.
Trước bến Tượng là hồ tắm voi, tưởng nhớ chiến tượng của Hưng Đạo Đại Vương |
Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh dày để cúng tế. Bánh dày cũng là loại bánh mà nhân dân trong vùng đã gói hàng nghìn, hàng vạn chiếc làm lương thực cho đoàn quân vượt sông Hóa đi đánh giặc thuở xưa.
Đền Mẫu Tiên La
Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền thờ tướng Vũ Thị Thục, một nữ tướng anh dũng dưới quyền Hai Bà Trưng, nổi tiếng với tài múa cặp song kiếm như hoa bay loạn vũ, có công lớn đánh đuổi giặc Ngô khỏi bờ cõi cùng đôi vị Vua Bà thời lập nước. Ngài ngự ngôi thứ tám trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ, xưng danh Chầu Tám Bát Nàn.
Toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000m², trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn, mang vẻ đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng. Đền bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.Tòa điện bái đường và thượng điện của đền được xây bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu với các nội dung có tích kinh điển như “Long – Lân – Quy – Phụng” đan xen với “Tùng – Trúc – Cúc – Mai”. Tòa điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “chồng diêm cổ các”.
Mỗi năm cứ dịp đầu xuân năm mới, đền Tiên La lại thu hút đông đảo khách thập phương về hành hương và chiêm bái.
Nghi thức rước kiệu Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân. |
Lễ hội đền Tiên La được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Hiện nay, ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 đến 20 tháng 3 Âm lịch để phục vụ cho nhu cầu tham quan, chiêm bái của khách du lịch và các phật tử dịp đầu xuân. Chính hội là ngày 17, trùng ngày hy sinh của Tướng Bà là ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Một số hoạt động tiêu biểu tại hội có trò chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, đặc biệt là phần rước kiệu, đánh đáo, chọi gà, thổi sáo trúc.
Đền thờ Chúa Muối
Đền thờ Chúa Muối thuộc làng Quang Lang xưa thuộc huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ thời Trần, nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là một làng muối cổ truyền có từ lâu đời. Nơi đây là quê hương của Đệ Tam cung phi của vua Trần Anh Tông là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh. Bà có công rất lớn trong việc truyền dạy nhân dân cách làm muối, buôn bán giao thương, giúp cho người dân quê hương bà có một cuộc sống ấm no từ những hạt muối trắng phau tinh khiết.
Đền thờ Bà Chúa Muối |
Sinh ra trong một gia đình diêm dân, bà Nguyệt Ảnh lớn lên xinh đẹp, học rộng biết nhiều và rất hiếu thuận với cha mẹ. Thấy việc đồng áng vất vả, muốn xin giúp bố mẹ ra đồng làm muối nhưng mỗi lần bà ra ruộng làm muối thì mây đen kéo lại phủ kín đến che rợp cả một vùng. Bố mẹ thương con đã đóng cho bà một chiếc thuyền chở muối, để con gái chèo thuyền theo dòng sông Hồng lên bến Long Biên chốn kinh kỳ để tiện việc giao thương, lạ là con thuyền nhỏ của bà đi đến đâu lại có một vầng mây gấm bay theo che phủ cho bà khỏi cái nắng oi ả của mùa hè.
Quan quân thấy sự lạ liền bẩm tâu với Vua Trần Anh Tông đang ngự chơi tại bến Long Biên, Vua nhìn qua thấy à liền lập tức say mê với nét thanh khiết, giản dị của người con gái đất muối. Vua rước bà về cung và phong Đệ Tam cung phi. Ít lâu sau, bà mang thai nhưng thai nhi đã quá 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh nở được, Vua Trần Anh Tông đã cho rước nàng về quê ngoại tại Trang Quang Lang, hi vọng với không khí mát lành của vùng biển sẽ cứu vớt được Cung phi và thai nhi.
Nguyệt Ảnh về đến nhà, cha mẹ rất nỗi vui mừng nhưng không lâu sau bà bị bệnh nặng, thuốc uống không đỡ. Thấy bà chiều nào cũng ra ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để nàng bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, bà đã mỉm cười rồi thác hóa vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất nơi cây hương trước đền. Thương tiếc đệ Tam Cung Phi, Vua Trần Anh Tông đã sắc phong cho nàng làm Phúc thần, cho Nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối.
Lễ rước Ông Đùng Bà Đà với những nghi lễ linh thiêng nhưng không kém phần đông vui |
Lễ hội Bà Chúa Muối với tục rước Ông Đùng Bà Đà ngày 14/4 Âm lịch hàng năm đều rộn rã vui tươi trong tiếng hò reo của hàng nghìn người dân đổ về tham dự với tâm thành tưởng nhớ tới công ơn đức Đệ Tam Cung Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh tài hoa nhân đức.
Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng xưa được biết đến là hoa đào trang trấn Sơn Nam sau gọi là trang Đào Động. Nơi đây quanh năm khói nhang không ngớt, tấp nập kẻ hành hương về chiêm bái, kêu cầu Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần.
Tục truyền vào đời Vua Hùng Vương thứ 18, nước nhà bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình đã điều động binh hùng tướng giỏi để chống giặc. Song thế giặc mạnh, quân triều đình không chống đỡ nổi, triều đình đã phải lập đàn triệu Linh Sơn Tú Khí về giúp sức dẹp giặc. Thủy thần làng Đào Động cùng các anh em đã hiển thánh hóa thân phò Vua dẹp tan giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa biển phía Tây. Đất nước thái bình, Ngài được sắc phong " Trấn Tây An Nam Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần".
Mặt tiền khuôn viên đền Đồng Bằng |
Khi Vĩnh Công Đại Vương và các anh em, thuộc tướng dưới quyền thác hóa về trời, vua Hùng xót thương vô ngàn, cho lập đền thờ tại nơi ngày nay là địa bàn làng Đồng Bằng, xã An Lễ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình.
Đền Đồng Bằng có kiến trúc theo kiểu tiền công hậu đinh bao gồm 5 cung thờ chính |