Bài 1: Linh thiêng nơi tông miếu Trần triều

Lịch sử hoà với dã sử, minh chứng là kết quả khảo cổ học bằng phương pháp hiện đại đã nêu bật vị trí của Di tích quốc gia đặc biệt “Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần” (xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) là nơi phát tích của triều đại nhà Trần. Đầu xuân Quý Mão, du khách tìm về đền Trần Thái Bình giống như cuộc hành hương chiêm bái những giá trị cội nguồn của triều đại hùng mạnh bậc nhất lịch sử nước Việt được bảo vệ, gìn giữ qua mấy trăm năm.
Thái Bình: Sẵn sàng khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2023 Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần

Dấu xưa, tích cũ

Vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp.

Sách địa lý mô tả thế đất phong thuỷ của vùng Long Hưng như sau: “Tổ sơn bắt nguồn từ đoạn giao giữa ba ngọn núi chồng lên nhau, lấy Tam Đảo làm gốc rồi cùng với ba ngọn Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị chụm lại.

Long mạch của nó chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, thấp dần rồi chìm qua sông Thiên Đức (tức sông Đuống), đến làng Hà Liễu của châu Đằng (hiện chưa rõ địa điểm này ở đâu) mới đột khởi nổi lên một ngọn núi khác.

Đền Trần tại Hưng Hà, Thái Bình được cho là tông miếu, cũng là nơi khởi phát của nhà Trần
Đền Trần tại Hưng Hà, Thái Bình được cho là tông miếu, cũng là nơi khởi phát của nhà Trần

Rồi từ đấy, long mạch lại chạy tiếp từ làng Nhật Cảo đến làng Thái Đường (xã Thái Đường, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) và kết lại ở gò Sao. Phía trước gò ấy có 3 gò lớn là Tam thai, phía sau có 7 gò nhỏ là Thất tinh; Xung quanh có đầm nước bao bọc, khi mặt trời soi tới thì mặt đầm sáng như gương phản chiếu, đối mặt với các cù lao nhỏ hình đẹp như những bông sen đang nở, đấy là một trong 27 kiểu đất hậu sinh phát đế”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá.

Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang.

Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Gò Hoả tinh - nơi an táng của một trong những vị vua đầu tiên của vương triều Trần
Gò Hoả tinh - nơi an táng của một trong những vị vua đầu tiên của vương triều Trần

Ông Đinh Bá Khải (Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình) bổ sung: “Trong dân gian, lưu truyền dã sử rằng, thời ấy có một thầy địa lý thường đi tìm đất để đặt mộ cho người thân của những nhà quyền quý.

Một lần đến vùng Tinh Cương (Tam Đường ngày nay), thấy có một gò nhỏ, thầy địa lý thốt lên: “Giữa vùng sông nước sát với đất bằng mà có những gò đồng nổi lên, hẳn không phải là hoang địa”.

Sau đó, thầy tới làng Tây Nha, gặp người họ Nguyễn vẫn nhờ thầy tìm đất để đặt mộ tổ để báo lại việc này. Khi công việc xong xuôi, người họ Nguyễn trở mặt bèn trói thầy địa lý lại đem quẳng xuống sông.

Bài 1: Linh thiêng nơi tông miếu Trần triều
Ông Đinh Bá Khải (Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình) kể huyền tích liên quan đến sự phát tích của triều Trần

"Cụ Trần Hấp lúc ấy đang đánh cá ở gần đó, nghe tiếng kêu cứu liền bơi thuyền lại vớt lên, rồi cởi trói và hỏi rõ đầu đuôi" - ông Khải tiếp tục kể - "Thầy địa lý thuật lại sự tình và cảm tạ ơn cứu mạng".

Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, Trần Hấp chọn giờ lành, ngày tốt, di dời mộ tổ về táng vào gò hỏa tinh. Nơi táng mộ có thế đất: “Phấn đại đương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, tha nhật dĩ đắc thiên hạ” (nghĩa là: Phấn son cùng chiếu rọi, trước mặt nở hoa sen, sau này có người do nhan sắc mà lấy được cả thiên hạ).

Từ đó về sau, họ Trần dần dần hưng thịnh và trở thành vương triều hùng cường tồn tại suốt 175 năm, nhiều lần đánh thắng giặc phương Bắc.

Tông miếu của triều Trần

Bảy trăm năm tuế nguyệt dài dẵng, bia đá đã mòn vẹt trong chiều dài lịch sử nhưng câu chuyện về tông miếu của Trần triều vẫn được người dân tại đất Long Hưng kể với niềm say mê và tự hào.

Ông Phạm Văn Cường (Phó Ban quản lý Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần) hào hứng nói: “Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất tại xã Tiến Đức được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của hoàng tộc nhà Trần.

Các vị vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp”.

Bài 1: Linh thiêng nơi tông miếu Trần triều
Mộ cổ phần cựu được khai quật năm 1980, phát hiện "cánh hoa, nhuỵ hoa bằng vàng, tiền đồng có khắc chữ Khai nguyên..."

Theo các tài liệu phóng viên có được, để minh chứng cho vị trí của vùng đất Long Hưng trong sự tồn tại của vương triều nhà Trần, tháng 3/1979, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình khai quật một phế tích kiến trúc rộng 300m2 tại Cồn Nhãn, nằm trong khu vực giữa đường làng và phần mộ các vua Trần (nay là sân Lễ hội của đền Trần).

Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều ngói vụn chồng xếp lớp, hơn 296 tiêu bản hiện vật và đưa ra kết luận: “Khu vực khai quật khảo cổ nằm giữa khu “Tiền tam thai, hậu thất tinh” nhà Trần… Qua khai quật đã có những tư liệu để dựng lại một mái nhà thời Trần”.

Tiếp đó, năm 1980, Viện Khảo cổ học Việt Nam lại kết hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình khai quật di tích Tam Đường lần thứ 2. Vị trí khai quật là Phần Bia, cạnh ao đình Ngọc Đường.

Trong lần khai quật này, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 290 hiện vật, trong đó có những hiện vật là đầu rồng bằng đất nung to nhỏ nhiều cỡ, ngói bò lớn…

Trong cuộc khai quật lần 3 cũng vào năm 1980, căn cứ vào các hiện vật tìm thấy, báo cáo của Viện Khảo cổ học Việt Nam kết luận: “Đây là một ngôi mộ thời Trần, người chết được đốt xác ở một nơi khác rồi chuyển tro than về đây chôn. Chủ nhân là người theo đạo Phật và ít ra cũng phải là người trong hoàng tộc trở lên”.

Ngay nay, đền Trần ở Long Hưng đã trở thành điểm đến tâm linh đối với người dân cả nước
Ngay nay, đền Trần ở Long Hưng đã trở thành điểm đến tâm linh đối với người dân cả nước

Ông Phạm Văn Cường cùng nhiều vị cao niên tại xã Tiến Đức đều nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của vùng đất Long Hưng xưa trong sự tồn tại, hưng thịnh của triều Trần.

“Vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà hôm nay không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc.

Cả 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ quan trọng để tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo.

Sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, các vua Trần và hoàng tộc đều ngự giá về vùng đất cố hương, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng.

Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần”, ông Cường bồi hồi cho biết.

Vũ Cường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động