Kỳ bí chuyện "sọt cỏ gánh nước" và những điều tâm linh tại Đền Và (Sơn Tây)

Truyền thuyết kể rằng, bằng phép màu nhiệm của mình, Đức Thánh Tản Viên đã biến hoá để đôi sọt gánh cỏ của cô gái tại Đền Và (Sơn Tây) có thể đựng nước, sau đó, Ngài còn dạy cho cô gái dùng liềm để cắt cỏ.
Bừng sáng Sơn Tây

Linh thiêng Đông Cung của Đức Thánh Tản Viên

Cách Quốc lộ 32 chừng 2 km, Đền Và (thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) tọa lạc trên một quả đồi rộng và thấp, thâm u bóng lim cổ thụ, bao quanh là những bức tường xây bằng đá ong. Trong không gian rộng chừng 2000m2 của Đền Và, thời gian dường như chậm lại, đưa du khách trở về thời quá khứ xa xăm.

Kỳ bí chuyện
Đền Và là Đông Cung thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Dựa theo sử sách, Đền Và là Đông Cung thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1964 và lễ hội Đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Suốt dòng chảy văn hoá hàng ngàn năm, Đền Và luôn giữ vị trí là trung tâm tín ngưỡng tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh của người Mường và người Việt trên một địa bàn rộng lớn Bắc Bộ.

Cho đến ngày nay, kiến trúc của Đền Và vẫn giữ vẹn nguyên nhiều nét cổ kính, giàu giá trị văn hoá. Khu vực bên ngoài là dinh thờ Ngũ hổ, động Sơn Trang thờ Mẫu Thượng Ngàn và giếng Cô Tiên. Tam quan (hay còn gọi là Nghi môn) đền nổi lên bên tán đại già có đến vài trăm năm tuổi, hướng về phía núi Tản Viên. Qua Tam quan, vào khu vực ngoại cung là một khoảng sân rộng, lát gạch, bên trái có gác chiêng, bên phải có gác trống, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái. Kế đến là nhà tiền tế (được gọi là đền Hạ) với hai dãy tả, hữu mạc hai bên, thuộc khu vực Nội cung.

Kỳ bí chuyện

Theo nội dung tấm bia Vân Già đông trấn cung ký dựng ở đầu hồi nhà tiền tế năm Tự Đức thứ 36, thì Đền Và đã có từ thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ nhưng quy mô nhỏ. Đền đã qua tu tạo, sửa chữa nhiều lần. Hiện ở Đền Và còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong của các triều đại, các đồ tế tự (trong đó có hai cây đèn đá thời Lê) và đặc biệt là những tấm ván gỗ khắc văn thơ của các danh sĩ như: Nguyễn Khản, Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân... khiến cho không gian thiêng và không gian văn hóa ở đây hòa quyện vào nhau, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài.

Truyền thuyết "sọt cỏ gánh nước"

Đền Và gắn với câu chuyện đậm màu truyền thuyết về Đức Thánh Tản Viên - tục thường gọi là Sơn Tinh. Tương truyền thuở ấy, khi vua Hùng nghe lời Sơn Tinh trao ngôi vua cho Thục Phán, đất nước trở lại cảnh thanh bình. Sơn Tinh cùng Mỵ Châu về sống trên núi Ba Vì. Ngài thường du ngoạn bốn phương, hỏi thăm dân tình. Một lần, Ngài nhằm hướng mặt trời mọc đi đến quả đồi thấp ven dòng sông Tích. Thấy đây là nơi thắng địa, Ngài dừng chân nghỉ ngơi vừa lúc trên trời xuất hiện đám mây ngũ sắc từ phía núi Ba Vì bay tới kịp che mát một vùng. Ngài cho đó là điềm lành, bèn cho lập tại chỗ một hành cung. Nơi ấy nay là Đền Và.

Kỳ bí chuyện "sọt cỏ gánh nước" và những điều tâm linh tại đền Và (Sơn Tây)
Nhân dân tổ chức hội Đền Và long trọng, đông vui

Từ khi có hành cung ở Đền Và, Thánh Tản thường lui tới vùng đất bên kia sông Hồng. Một lần, trên đường trở về Đền Và, Ngài dừng chân nghỉ ngơi tại một xóm nhỏ ven sông. Tuy đang tiết xuân mát mẻ, nhưng vì đi đường xa gió bụi, nên Ngài muốn tìm nước để tắm giội đôi chút. Nhìn quanh đấy, thấy một cô gái gánh đôi sọt đi cắt cỏ, Ngài đến bên lựa lời chào hỏi rồi ngỏ ý nhờ cô gánh cho một gánh nước sông Hồng. Cô gái tưởng chàng trai đùa cỡn nên cười ngặt nghẽo. Nhưng trước vẻ chân thực của chàng trai, cô gái rất ngạc nhiên rồi chối từ vì sọt của cô chỉ đựng được cỏ, làm sao đựng được nước. Ngài cười và bảo cô cứ giúp thử xem sao. Quả nhiên, đôi sọt đựng được nước thật.

Trong khi Ngài thoả thuê tắm gội thì cô gái chạy về loan báo với dân làng có chuyện lạ đời. Khi mọi người kéo đến nơi thì người tắm đã đi mất, xung quanh còn phảng phất hương trầm. Lúc ấy dân làng mới bừng tỉnh, nhận ra là chính Đức Thánh Tản vừa mới qua đây.

Lại nghe nói, khi mới gặp cô gái, nhân chuyện cắt cỏ, Ngài còn bày cho cô cách làm liềm thay cho con dao cô vẫn dùng để cắt được dễ hơn, nhanh hơn.

Ghi nhớ dấu tích và công đức của Ngài, dân làng Di Bình (xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc) đã dựng ngôi đền và đặt tên là đền Ngự Dội, ý muốn nhắc việc Ngài đã đến ngự và tắm giội ở đó trước khi về đền Và. Dân sở tại Đền Và, dựa vào sự tích đám mây lành (chữ Hán là Vân già) xuất hiện trên bầu trời quê mình mà đặt tên là làng Vân Gia. Từ đó, dân thôn làm ăn phát đạt, càng chăm sóc việc hương khói thờ phụng Thánh Tản.

Lễ hội Đền Và - nét đẹp văn hoá tâm linh xứ Đoài

“Dù ai đi lễ trăm miền

Không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và"

Câu ca trên vẫn được dân gian truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác để ngợi ca về lễ hội đền Và - một lễ hội vùng lớn và đông vui nhất của xứ Đoài đã trở thành điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương vào mỗi dịp đầu xuân. Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kì và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý – Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính.

Kỳ bí chuyện "sọt cỏ gánh nước" và những điều tâm linh tại đền Và (Sơn Tây)
Lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồn

Xuân Quý Mão 2023 là năm chính hội Đền Và. Theo thông tin từ ban tổ chức, Lễ hội Đền Và 2023 sẽ diễn ra từ chiều 4/2 đến sáng 7/2/2023 (tức từ chiều 14 tháng Giêng đến sáng 17 tháng Giêng năm Quý Mão).

Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng, được tổ chức chặt chẽ. Theo thông lễ, từ ngày 13 tháng Giêng, người dân thôn Vân Gia lên đền dọn dẹp, trang trí cờ hội. Buổi chiều, dân các thôn rước cỗ kiệu của làng mình về đặt ở sân trước nhà tiền tế tại đền Và. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản từ thị xã Sơn Tây qua sông Hồng sang đền Ngự Dội, nằm trên địa phận thôn Duy Bình - xã Vĩnh Ninh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc để tế lễ, rồi quay trở lại Đền Và.

Kỳ bí chuyện "sọt cỏ gánh nước" và những điều tâm linh tại đền Và (Sơn Tây)
Nghi thức đưa Thánh sang sông

Các cỗ kiệu xuống thuyền qua sông. Cư dân vạn chài ở trên sông tấp nập kéo tới, ghép thuyền lại thành một cầu phao lớn cùng đưa đoàn rước sang sông và họ nhập vào đoàn rước trở thành những ngư­ời đi hội. Quan niệm của dân vào ngày này vạn chài nào trên sông làm nhiều điều phúc thì Thánh Tản sẽ cho nhiều lộc lớn trong năm.

Sang ngày 15 tháng Giêng, ngày chính hội là những cuộc vui chơi, tiếp đón khách thập phương đến đền Và dâng h­ương, hoa trái và viếng Đức Thánh Tản. Ngày 15 ở sân tr­ước nhà tiền tế có đấu vật. Các đô vật xứ Đoài đến vật chầu bóng Thánh, sau đó diễn trò vui vật giật giải, một thú vui đua sức, đua tài vốn rất đ­ược dân xứ Đoài hâm mộ. Lễ hội thu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội mở vào ngày 14 tháng 9 (Âm lịch), dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai ùa ra đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (giáp thôn Ái Mỗ) cùng đánh bắt cá tập thể trên đoạn sông này

Từ nhiều năm qua, lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồng thành một khối. Cùng với những mặt tích cực như khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng, lưu giữ và trao truyền văn hóa truyền thống, du khách thập phương đến với lễ hội để nhớ về cội nguồn tiên tổ, cội nguồn văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc xứ Đoài, để từ đó hướng thiện hơn trong nếp sống cộng đồng hôm nay.

Vũ Cường
Phiên bản di động