10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Tạp chí Forbes Việt Nam lần đầu tiên xếp hạng 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, đứng đầu trong danh sách là Tecombank.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ Nợ xấu 17 ngân hàng niêm yết chứng khoán tới hơn 97.000 tỷ đồng

Trong danh sách lần thứ nhất, Techcombank đứng vị trí số 1 khi dẫn đầu ở nhiều chỉ số như an toàn vốn (CAR), lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) và nhiều chỉ số đo lường hiệu quả khác như lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lãi (NIM), chi phí trên thu nhập (CIR)… xếp thứ hạng cao.

Theo Forbes Việt Nam, Techcombank ở vị trí số 1 do nổi bật với ưu thế kiểm soát tốt chất lượng tài sản. Kết quả kinh doanh của nhà băng này duy trì sự tăng trưởng liên tục trong sáu năm qua, riêng năm 2019 ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân.

Trong cả hệ thống, lợi nhuận của Techcombank chỉ xếp sau Vietcombank. Bên cạnh hoạt động cho vay bất động sản, ngân hàng còn được biết đến với tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao nhất trong hệ thống, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hoạt động trong nửa đầu năm 2020, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
Techcombank là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến hoạt động các nhà băng chịu ảnh hưởng, khi tín dụng tăng trưởng chậm và chất lượng tài sản suy giảm. Tại thời điểm 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đạt 0,9%, giảm từ mức 1,33% vào cuối năm 2019. Tuân thủ chiến lược “rủi ro thấp, lợi nhuận cao”, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng ở mức cao nhất thị trường hiện nay với CAR gần 17% vào cuối tháng 6/2020.

Ở vị trí thứ 2 trong top 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam là TPBank. Theo Forbes Việt Nam, nhà băng này xếp thứ hạng khá cao ở nhiều chỉ số đo lường hoạt động như tỉ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận/tài sản.

Theo đánh giá của Forbes Việt Nam, xét về quy mô, hiện tại TPBank vẫn nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình nhưng ngân hàng thiết lập mô hình kinh doanh ngân hàng số độc đáo dựa trên nền tảng công nghệ. Cấu trúc hoạt động ngân hàng số của ngân hàng bao gồm hơn 300 ngân hàng tự động (VTM) với tên gọi LiveBank mà đến nay trong hệ thống duy nhất chỉ TPBank đưa vào triển khai.

Ở vị trí thứ 3 là ACB, cuối năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ mảng tín dụng truyền thống chiếm khoảng 75% và thu nhập ngoài lãi xấp xỉ 25%. Với nền tảng thương hiệu vững mạnh và tập khách hàng trung thành, ACB được đánh giá cao về kiểm soát tốt chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì thấp.

Các vị trí 4,5 là OCB, MB. Trong đó, với tỷ lệ 78% tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019, MB được đánh giá là một trong các ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất. Ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất trong hệ thống. Hơn nữa, tỷ lệ sinh lời, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của MB gần 20% thuộc nhóm dẫn đầu.

Theo Forbes Việt Nam hiện tại, MBBank không chỉ là ngân hàng thuần túy với hoạt động cho vay mà mang dáng dấp tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực tài chính: chứng khoán (MB Securities), tài chính tiêu dùng (liên doanh MB Shinsei), quản lý tài sản (MB Capital), bảo hiểm (MB Ageas).

Nằm ở vị trí thứ 6 trong top 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam là Vietcombank. Ngân hàng này không chỉ nổi bật về quy mô và chất lượng tài sản, mà còn là nhà băng có cơ cấu thu nhập đa dạng bậc nhất. Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 0,79%, thấp thứ hai trong danh sách. Ngân hàng duy trì hiệu quả hoạt động cao ở các chỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ chi phí trên thu nhập thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống.

Tiếp theo là HDBank và VPBank. Trong đó, theo ghi nhận của Forbes Việt Nam, năm 2019, VPBank ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động. Dù đứng thứ 4 về lợi nhuận tuyệt đối nhưng VPBank là ngân hàng có chỉ số biên lãi ròng (NIM) cao nhất trong danh sách và ổn định nhiều năm qua.

Ở vị trí thứ 9 là VIB, theo phân tích của Forbes Việt Nam, việc thận trọng và an toàn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của ngân hàng này những năm gần đây. Với tỷ lệ 27,1%, VIB dẫn đầu danh sách về hiệu quả hoạt động với chỉ số lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu (ROE).

Hiện tại, VIB là ngân hàng thuần bán lẻ, với trọng tâm kinh doanh hướng đến bốn mảng kinh doanh chính: cho vay mua nhà, xe ô tô, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và tương lai gần là thẻ tín dụng. Theo công bố của ngân hàng, cứ 100 chiếc xe mua trả góp chạy ngoài đường thì có 25 chiếc vay vốn từ ngân hàng này.

Cuối cùng là VietinBank, theo Forbes Việt Nam, 2019 là một năm hoạt động tương đối khả quan của ngân hàng này khi nhiều chỉ số đánh giá khả năng sinh lời cải thiện đáng kể so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng gần 80% so với năm trước, đạt 9.461 tỷ đồng, xếp thứ ba trong danh sách.

Nợ xấu của VietinBank là 1,16%, khá thấp chỉ cao hơn sau ACB và Vietcombank. Nhưng một số chỉ số sinh lời của VietinBank như ROE, ROA, NIM... dù cải thiện nhưng chỉ nằm ở nhóm trung bình khiến ngân hàng xếp thứ 10 trong danh sách các ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Văn Huy
Phiên bản di động