Kinh nghiệm hay về xây dựng mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu tại Đông Anh
Sắp tổ chức hội thảo về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao BIDV khánh thành Nhà văn hoá cộng đồng tránh lũ tại Quảng Nam Quận Nam Từ Liêm: Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa |
Tham dự sự kiện này có Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình. Về phía huyện Đông Anh có bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cùng lãnh đạo UBND xã Hải Bối, phòng, ban và đại diện các thôn trên địa bàn huyện.
Các đại biểu tham dự sự kiện |
Tuyên truyền hiệu quả
Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long có diện tích 1700m2, bao gồm khu thể thao, sân tập với đủ trang thiết bị, hội trường nhà văn hóa với 150 chỗ ngồi; có thư viện với hơn 300 đầu sách… Tại đây, các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, vui chơi được phủ kín trong các ngày. Nhà văn hóa được xây với kinh phí 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện.
Ông Nguyễn Hữu Thoại, Trưởng thôn KDC Thăng Long |
Ông Nguyễn Hữu Thoại, Trưởng thôn KDC Thăng Long cho hay, thôn có diện tích tương đối rộng, dân số có 1.367 hộ với 4.897 nhân khẩu. Đặc thù ở đây là khu dân cư có diện tích hẹp, khiêm tốn.
Đồng chí Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu |
Song, Ban lãnh đạo thôn KDC Thăng Long đã xác định rõ tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa tại thôn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; là nơi truyền tải và tiếp nhận những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp các kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế cho mọi người dân; nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực.
Vì thế, để tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư về triển khai thực hiện mô hình, Ban lãnh đạo thôn xác định công tác tuyên truyền là khâu đầu tiên, then chốt để người dân hiểu, đồng thuận và làm theo.
Toàn cảnh buổi ra mắt Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long |
Cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của thôn đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và lấy vai trò của cộng đồng dân cư là hạt nhân chính, đồng thời, quan tâm, thực hiện tốt quy chế dân chủ.
"Tất cả các công việc triển khai thực hiện đều có sự bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến của người dân, do vậy đã tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong thôn, mỗi người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc góp công, góp sức để xây dựng Nhà văn hóa thôn kiểu mẫu” - ông Thoại nói.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh phát biểu |
Các tiêu chí trong xây dựng mô hình Nhà văn hóa kiểu mẫu được thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả trên hệ thống loa truyền thanh tại thôn; tuyên truyền tại các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề; tuyên truyền cổ động trực quan thông qua hệ thống băng zôn, khẩu hiệu, pano, aphich; thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Ông Thoại chia sẻ: “Trong quá trình triển khai, với phương châm: Đồng bộ, hiệu quả, tiêu chí nào dễ, tiêu chí nào ít kinh phí tập trung làm trước, tiêu chí nào khó cần nguồn vốn thì cùng nhau bàn bạc tìm cách tháo gỡ, tìm cách để huy động nguồn vốn”.
Sau 7 tháng triển khai thực hiện mô hình, đến nay thôn KDC Thăng Long đã đạt các tiêu chí Nhà văn hóa thôn kiểu mẫu với 100% tuyến đường đều được lắp hệ thống điện chiếu sáng và bê tông hóa; đầu tư xây dựng với đầy đủ các công trình phụ trợ, được thiết kế vườn hoa, cây cảnh, ghế đá; lắp đặt các bộ dụng cụ tập thể dục thể thao cho người lớn, phù hợp với trẻ em và người già, có các sân thể thao phục vụ các hoạt động, phong trào thi đấu thể thao tại thôn.
Lấy người dân làm trung tâm và chủ thể hưởng thụ
Ông Trịnh Minh Huân, Phó chủ tịch xã Hải Bối cho hay, điểm khác biệt của Nhà văn hóa thôn KDC Thăng Long ở chỗ, người dân ở đây không chỉ xây dựng tủ sách cộng đồng thông thường mà đã huy động nguồn xã hội hóa, cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân trong thôn. Do vậy, trong nhà văn hóa có bố trí riêng 1 phòng làm thư viện thôn với hơn 300 đầu sách, tranh ảnh tuyên truyền pháp luật để phục vụ nhu cầu đọc sách của thiếu nhi và Nhân dân trên địa bàn. Thư viện có đầy đủ bàn ghế, giá để sách, thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi tầng lớp Nhân dân đến với thư viện, nhân rộng và thúc đẩy phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.
Các đại biểu tham quan thư viện tại Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long |
“Kết quả xây dựng Nhà văn hoá kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long đã mang đến luồng sinh khí mới, niềm vui cho người dân trong việc nâng cao đời sống thể chất và tinh thần” – ông Huân nói.
Chia sẻ tại buổi ra mắt, bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh bày tỏ niềm vinh dự và tự hào vì đây là một công trình mang ý nghĩa của sự đoàn kết, là kết quả của những chương trình, nghị quyết 250 của Huyện ủy Đông Anh về đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được chia sẻ, lan tỏa và nhân rộng ra các thôn khác trên địa bàn huyện Đông Anh.
Các thiết bị thể thao được lắp đặt tại nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi của người dân |
Đánh giá cao mô hình này, Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng: “Đây không chỉ là kết quả chỉ đạo của TP Hà Nội mà còn là sự đồng tâm, đồng lực của người dân, đặc biệt là sự quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thôn và các đoàn thể trong việc lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể hưởng thụ thành quả này”.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh cũng nhấn mạnh, với cơ sở vật chất được đầu tư, hy vọng, thời gian tới Nhà văn hóa thôn KDC Thăng Long sẽ được người dân trong thôn khai thác hiệu quả, để không bị lãng phí.
Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long là điển hình về đầu tư và khai thác thiết chế văn hóa của huyện Đông Anh |
“Ngoài ra, để phát huy hết giá trị của thư viện trong khuôn nhà văn hóa, cấp ủy, chính quyền nên phát động các chương trình quyên góp sách, để các đầu mục sách phong phú hơn, góp phần nâng cao tri thức cho người dân trên địa bàn” – đồng chí nhấn mạnh.