Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô

Tại thị xã Sơn Tây, trong vài năm gần đây, các sản phẩm kinh tế đêm hoạt động hiệu quả giúp bức tranh kinh tế sau 18h ở địa phương này có nhiều khởi sắc.
Mãn nhãn đêm khai mạc Lễ hội sắc Sen Hà Nội

Đánh thức tiềm năng làng cổ

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nằm mãi ở góc phía Tây Nam của Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 50km.

Với nếp nhà cũ kỹ hàng trăm năm tuổi, tường xây đá ong rêu phong, cùng nếp sinh hoạt có từ xa xưa, làng cổ Đường Lâm vẫn được coi là địa phương “quê nhất trong các làng quê Bắc Bộ hiện tại”.

Thói quen khó bỏ, cố hữu của dân làng là ngủ sớm. Quá 21h, họ đóng kín hai cánh cổng gỗ, vắt ngang thanh chốt, thế là nhà ai biết nhà đó, im lìm!

Một số người nung nấu quyết tâm thay đổi thói quen ngủ sớm của làng cổ Đường Lâm. Tiên phong, có thể kể tới nghệ nhân Nguyễn Tất Phát. Anh vốn đã rất nổi tiếng, các sản phẩm mỹ nghệ từ sơn mài của nghệ nhân sinh năm 1986 này được đại diện cho thị xã Sơn Tây tại các lễ hội thiết kế sáng tạo. Anh bán được nhiều sản phẩm, thu nhập cao. Nhưng, anh vẫn còn trăn trở món nợ với làng cổ.

Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô
Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại Đêm làng cổ

Anh Nguyễn Tấn Phát bày tỏ: “Bây giờ, làng Đường Lâm là điểm đến du lịch. Du khách trong và ngoài nước nườm nượp tới tham quan (gần 1 triệu lượt khách theo thống kê năm 2023), chụp những bức hình lưu niệm, uống cốc trà xanh, ăn vài cái kẹo lạc. Rồi họ rời đi – hầu như không chi tiêu. Vì thế, những người làm du lịch tại Đường Lâm buộc phải tìm tòi xây dựng các sản phẩm đêm nhằm níu chân du khách, biến làng cổ trở thành điểm đến xứng đáng để du khách móc hầu bao”.

Khai trương từ đầu năm 2024, “Đêm Làng cổ” là sản phẩm về đêm mà anh Nguyễn Tấn Phát cùng một số cộng sự triển khai. Như tên gọi, “Đêm làng cổ” diễn ra vào tối thứ Bảy hàng tuần, khu vực tổ chức chính là cổng làng Đường Lâm, giới thiệu nhiều nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, ẩm thực của vùng đất giàu có về truyền thống văn hoá này.

Anh Nguyễn Tất Phát gõ cửa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại Đường Lâm để thuyết phục họ tham gia “Đêm làng cổ”. Vì thế, tại đây có các gian hàng bày bán sản phẩm do chính bàn tay người dân trong làng làm ra. Đó là đồ lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; ẩm thực đặc trưng của làng cổ như: Bánh chè lam, bánh gai, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh tẻ, thịt quay đòn, gà mía...

Đặc biệt, “Đêm làng cổ” là nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa rồng, múa trống, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ… do thành viên các câu lạc bộ trong làng biểu diễn; các trò chơi dân gian. Tại các không gian sáng tạo trong làng như “Phatstudio”, “Nghề làng”, du khách có thể tìm hiểu về nghề làm sơn mài, trải nghiệm các hoạt động workshop, hoạt động sáng tạo...

Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô
Du khách trải nghiệm tại "Đêm làng cổ".

Trải nghiệm của người viết cho thấy, khi ra mắt sản phẩm trải nghiệm “Đêm làng cổ”, đông đảo người dân và du khách hào hứng tham gia trong không khí làng quê đậm chất nông thôn Bắc Bộ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi làng cổ Đường Lâm ngày càng thu hút đông khách lưu trú qua đêm. Ước tính, mỗi tối cuối tuần có hàng trăm khách lưu trú tại đây.

Như một kết quả tất yếu, lượng khách tham quan tại thị xã Sơn Tây cũng ngày càng nhiều, nhất là khi địa phương này tập trung phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm mới. UBND xã Đường Lâm và Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đã kết nối với các resort, khu nghỉ dưỡng lân cận để đưa khách đến trải nghiệm sản phẩm mới này.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Giám đốc Ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho hay, các hoạt động tại “Đêm làng cổ” được xây dựng bởi chính người dân sở tại. Các hoạt động văn hóa được dàn dựng gắn với lịch sử, đặc trưng văn hóa của di tích làng cổ, qua đó, lan toả hình ảnh của Đường Lâm.

Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô
Điểm hẹn văn hoá cuối tuần

“Đêm làng cổ” là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc tổ chức các hoạt động theo hướng khai thác giá trị văn hóa làng cổ vừa tăng trải nghiệm cho khách, đồng thời góp phần phát huy giá trị điểm đến du lịch ý nghĩa này.

Hơn nữa, sự kiện đêm tại làng cổ Đường Lâm có thể mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa, thu hút du khách đến tham quan làng cổ vào buổi tối, tăng cường nguồn thu du lịch cho địa phương.

“Việc kinh doanh buổi tối có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân bán hàng để kiếm thêm thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế của làng. Sự kiện đêm có thể là nơi để trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của làng cổ Đường Lâm cho du khách và người dân địa phương", ông Thạo chia sẻ.

Du lịch gắn với kinh tế đêm

Theo Quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Giai đoạn 2025-2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.

Đối với việc phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, cùng với “Đêm làng cổ”, tại thị xã Sơn Tây cũng đang vận hành phố đi bộ quanh thành cổ (từ năm 2022), “Phiên chợ làng Mô” tại điểm du lịch xã Kim Sơn.

Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô
Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây

Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây mở cửa vào đúng dịp lễ 30/4 năm 2022. Từ đó đến nay, không gian phố đi bộ ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội trở thành điểm vui chơi, giải trí yêu thích của người dân và du khách. Tại phố đi bộ thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi giải trí; tập trung nhiều hàng quán ăn uống... vào dịp cuối tuần.

Bên cạnh đó, Chợ phiên du lịch làng Mô là sân chơi cộng đồng của các đơn vị phát triển dịch vụ du lịch xứ Ðoài và cộng đồng dân cư bản địa ven hồ Ðồng Mô.

Anh Khuất Văn Thắng, người sáng lập mô hình này, chia sẻ, với mong muốn phát triển một sân chơi giúp cho du khách có cơ hội tìm hiểu đời sống bản địa, tham gia vui chơi giữa cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm các mô hình du lịch xứ Ðoài…, Chợ phiên du lịch làng Mô đã ra đời với lịch “họp chợ” thí điểm vào thời gian từ 17h – 21h thứ Bảy hàng tuần. Hiện tại, mỗi phiên chợ đón từ 4.000 - 6.000 du khách.

Chính quyền thị xã Sơn Tây đánh giá, các sản phẩm đêm đã mang lại hiệu quả tích cực, đầy hứa hẹn. Cụ thể, năm 2023, khách du lịch đến thị xã Sơn Tây ước đạt 1.175.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đến thị xã trong năm 2023 ước đạt 22.400 lượt khách.

“Đáng chú ý, lượng khách lưu trú tại thị xã tăng mạnh. Sơn Tây đang dần chứng tỏ sức hút với khách du lịch, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của địa phương", Bí thư Thị uỷ Sơn Tây Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Nghiên cứu sản phẩm đêm tại xã Cổ Đông

Trên bản đồ du lịch của thị xã Sơn Tây, các điểm giải trí, nghỉ dưỡng tập trung với mật độ khá dày dặn tại xã Cổ Đông. Địa phương này có lợi thế lớn về giao thông, phong cảnh cũng như di tích lịch sử văn hoá. Do đó, vào dịp cuối tuần, hàng nghìn du khách từ trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm tới Cổ Đông để nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Nhằm phục vụ đầy đủ hơn các nhu cầu của du khách, xã Cổ Đông đang nghiên cứu sản phẩm du lịch đêm là phố đi bộ, kết hợp với ẩm thực. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ trở thành "nam châm" hút khách tới với địa phương, qua đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống Nhân dân.

Vũ Cường
Phiên bản di động