Youtube "bất lực" trước hàng loạt kênh Khá "bảnh" giả mạo?
Chiêu trò của những youtuber
Không lâu sau khi tài khoản youtube của Khá "Bảnh" bị đóng, nhiều kênh mang tên Khá "Bảnh" mới bất ngờ xuất hiện trở lại trên mạng xã hội video này. Đây là những kênh mới lập nhưng đã có vài ngàn người đăng ký theo dõi.
Cụ thể, một tài khoản youtube mới có tên là "Khá BảnH" được lập ra vào ngày 16/7/2018, nhưng mới chỉ hoạt động trong 1 vài ngày trở lại đây đã thu hút hơn 100.000 lượt xem. Kênh video này đăng lại những video của Khá "Bảnh" đã từng được kiếm tiền trên youtube trước đó.
Kênh Youtube mạo danh Khá Bảnh xuất hiện với lượt xem và theo dõi cao |
Đáng nói, những video trên đều là những clip có lời lẽ tục tĩu, kích động. Trước đó, youtube đã từng phải xóa hàng loạt những video tương tự sau vụ việc Khá "bảnh".
Theo tìm hiểu của phóng viên, những video được đăng tải chủ yếu có nội dung miêu tả thói ăn chơi của giang hồ mạng, thậm chí có video đập và đốt xe máy, gây bức xúc dư luận vừa qua. Dù mới đăng lại khoảng 1 tuần nay nhưng video đốt xe của kênh mạo danh Khá "bảnh" cũng thu hút hơn 117.000 lượt xem.
Bên cạnh kênh Khá BảnH đã kể trên, một số kênh mạo danh khác liên quan tới Khá "bảnh" mới được thành lập và cũng đang đăng tải lại video của giang hồ mạng này, thu hút lượt quan tâm lớn từ người xem.
Nhìn vào một số kênh mới lập này, ông Hoàng Văn Phương - một nhà sáng tạo nội dung tại Hà Nội lắc đầu ngao ngán: "Youtube giờ giống như một mớ hỗn độn và người làm youtube chân chính đang bị những kẻ bất chấp vì lợi nhuận tạo ra những tiền lệ xấu. Họ sử dụng chiêu trò kiếm tiền mà mặc kệ những hệ lụy kéo theo sau đó".
Người này cũng cho rằng, đơn cử kênh Khá BảnH giả mạo trên chỉ mới re-up (đăng lại) nhưng đã thu hút hơn 100.000 lượt xem trong thời gian rất ngắn, đây là một con số đáng mơ ước của những kênh làm nội dung sạch. Bởi chỉ cần 1.000 người theo dõi và 4.000 giờ xem là có thể bật được kiếm tiền trên mạng xã hội này.
Re-up được lợi gì?
Đáng nói, những video re-up dù có lượt xem tương đối lớn, lượt theo dõi rất đông nhưng do vi phạm chính sách của youtube nên sẽ không được bật chế độ kiếm tiền. Vậy, động cơ thực sự đằng sau việc re-up video của các đối tượng giả mạo là gì?
Lý giải vấn đề trên, ông Hoàng Văn Phương cho rằng, đó chính là mưu mẹo của nhiều người làm nội dung tại Việt Nam, tìm mọi cách để qua mặt youtube.
Cụ thể, những kênh re-up này sẽ thu hút nhiều lượt người theo dõi, khi đạt đến ngưỡng từ vài chục đến vài trăm ngàn người đăng ký, các chủ kênh sẽ thực hiện công việc tiếp theo đó là đổi tên, rao bán kênh thu lợi từ vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng nếu kênh có người theo dõi lớn. Những người mua kênh sẽ mua về phục vụ cho mục đích quảng cáo của công ty và thậm chí khi chuyển sang làm nội dung sạch, sẽ yêu cầu bật kiếm tiền từ Google.
Chính những mưu mẹo như vậy, ông Hoàng Văn Phương cho rằng, bộ phận quản lý kênh youtube nên tinh chỉnh lại bộ lọc, ngăn chặn hiệu quả hơn từ khi người dùng đăng tải lại, đặc biệt là những video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Đồng thời, thực hiện công việc sắp xếp lại tab thịnh hành, kích thích các nhà sáng tạo nội dung mới với những video có chất lượng, mang tính giáo dục, định hướng hơn. Điều này cũng góp phần lớn trong việc thay đổi thói quen khi xem video của nhiều bạn trẻ.