Yêu mến hay ứng xử thiếu văn minh với thần tượng?
Tỉnh táo để hiểu và ứng xử văn minh trên mạng xã hội Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh trên không gian mạng |
Nổi tiếng “bất đắc dĩ”
Thượng uý Lê Hoàng Hiệp (sinh năm 1996) hiện công tác tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 34, là gương mặt nổi bật trong khối sĩ quan đại diện “5 cánh quân”. Tại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), một đoạn clip ghi lại khoảnh khắc Thượng uý Lê Hoàng Hiệp bước xuống xe trong buổi sơ diễn diễu binh đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.
![]() |
Các bạn trẻ vây quanh Thượng uý Lê Hoàng Hiệp để xin chữ ký và chụp ảnh chung (Ảnh: Ngọc Dương) |
Chia sẻ về việc được mọi người nhận xét có ngoại hình, khí chất như diễn viên điện ảnh, Hoàng Hiệp cho biết bản thân rất vui. Tuy nhiên, anh cũng tự nhận rằng bản thân mình chưa được như lời khen ngợi. Hiện tại, người quân nhân trẻ mong muốn tập trung toàn lực vào công việc khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ.
Tuy nhiên việc hình ảnh Thượng úy Lê Hoàng Hiệp được lan truyền rộng trên mạng xã hội đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh một người quân nhân và trực tiếp tác động đến công việc và cuộc sống của anh.
Trước đó vào tối 25/5, đại diện Cục Chính trị Quân đoàn 34 đã có thông báo chính thức về việc nhiều tài khoản mạng xã hội lợi dụng hình ảnh của Lê Hoàng Hiệp để trục lợi, đăng các thông tin không đúng sự thật. Đồng thời, đề nghị các trang nhóm nhanh chóng tháo gỡ, xin lỗi, đính chính thông tin.
![]() |
Thượng uý Lê Hoàng Hiệp (Ảnh: Cục Chính trị Quân đoàn 34 cung cấp) |
Chưa dừng lại ở đó, tối 4/6 tại ga Sài Gòn, khi các chiến sĩ chuẩn bị lên đường ra Hà Nội huấn luyện cho lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thượng uý Lê Hoàng Hiệp tiếp tục trở thành tâm điểm khi bị vây kín bởi hàng trăm người, trong đó có rất nhiều cô gái trẻ.Chàng quân nhân bị săn đón như “idol”, bị các bạn trẻ chặn đường để xin chữ ký và chạy theo chụp hình khiến anh bị tách đoàn mặc dù anh đã nhiều lần từ chối.
Ứng xử với thần tượng như thế nào cho văn minh?
Người lính không được đào tạo để trở thành người nổi tiếng. Nhiệm vụ của họ là chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và hoàn thành mọi mệnh lệnh được giao. Họ phải rèn luyện kỷ luật, duy trì thể lực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân.
![]() |
Nhóm bạn trẻ vây kín khiến Thượng uý Lê Hoàng Hiệp phải tách đội hình (Ảnh: Ngọc Dương) |
Việc một người lính bị kéo ra khỏi đội hình chỉ vì sự chú ý quá mức, thần tượng hoá của một bộ phận giới trẻ không chỉ gây ra sự xao nhãng của một cá nhân mà còn là sự xáo trộn, ảnh hưởng tới cả một đơn vị - những người đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ mang tầm quốc gia.
Trong hàng trăm quân nhân lên đường tối qua, mỗi người đều xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng như nhau. Việc tập trung mọi ánh mắt, ống kính vào một cá nhân đã vô tình làm mờ đi hình ảnh của cả tập thể, đi ngược lại tinh thần kỷ luật và đoàn kết trong quân đội.
![]() |
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức lễ tiễn đoàn cán bộ, chiến sĩ lên đường ra Hà Nội tham gia nhiệm vụ diễu binh, diễu hành A80 tại ga Sài Gòn (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Tình quân dân thắm thiết luôn là thứ tình cảm cao đẹp của dân tộc. Sẽ ý nghĩa hơn nếu các bạn trẻ thể hiện tình cảm yêu mến quân nhân Lê Hoàng Hiệp bằng cách dõi theo, bằng sự trân trọng từ xa. Điều đó sẽ giúp anh gìn giữ hình ảnh, bảo vệ sự riêng tư cá nhân và cả giữ vững tinh thần và lý tưởng của người lính.