Yêu cha, mẹ nhiều hơn qua chương trình “Ơn nghĩa sinh thành”
Lời cảm ơn của Ban Tổ chức chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” năm 2023 |
Có mặt tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô từ rất sớm cùng 50 tình nguyện viên khác, Nguyễn Thị Vân Anh (20 tuổi) nhanh chóng vào vị trí đã được phân công để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác đón khách cùng Ban Tổ chức chương trình “Ơn nghĩa sinh thành”.
Một góc không gian quê hương trong chương trình Ơn nghĩa sinh thành do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức |
Ngay khi có thông tin về hoạt động tình nguyện hỗ trợ chương trình nghệ thuật Vu lan báo hiếu, cô gái 20 tuổi đã không ngần ngại, nhanh chóng đăng ký tham gia. Với Vân Anh, được tham gia các hoạt động tình nguyện mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ, càng tuyệt vời hơn nữa khi “Ơn nghĩa sinh thành” là chương trình tri ân tình yêu, sự hy sinh mà cha mẹ đã dành cho con cái - điều cô gái trẻ rất trân trọng.
Ca si Tùng Dương với những bài ca về cha mẹ ngọt ngào |
Tham gia hoạt động tình nguyện lần này, điều đầu tiên Vân Anh ấn tượng đó chính là vị trí nơi cô gái trẻ thực hiện nhiệm vụ, nơi đặt không gian “Trở về bên mẹ” được dàn dựng rất công phu.
Nữ sinh Đại học Mở không khỏi xúc động bởi không gian gia đình truyền thống làng quê Việt Nam với những hình ảnh gần gũi, thân thương, đậm chất làng quê Bắc Bộ với nhà vách tre mái lá, khóm tre xanh. Không gian chợ quê gợi nhớ cho cô bạn về ký ức về một thời thơ ấu, lớn lên trong vòng tay cha mẹ tại quê hương mình.
Bạn trẻ Vân Anh trong vai trò tình nguyện viên tại chương trình |
Không gian trở về bên mẹ còn có những bông hoa sen, bộ áo dài, thư pháp, mái lá, chõng tre, chum sành gáo nước, chiếc nôi… gợi nhắc về lòng biết ơn, thêm yêu và trân trọng tình cảm gia đình.
Theo dõi, lắng nghe các tiết mục tại chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” lại mang tới cho bạn trẻ Đặng Đức Trung những cảm xúc khó quên. Trung đã được trải nhiều cùng bậc cảm xúc về tình mẫu tử qua từng ca khúc về tình cảm gia đình, về những người cha, mẹ, về công ơn sinh thành dưỡng dục như: “Ước mơ của mẹ”, “Cha già rồi đúng không”, “Nơi ấy có cha”, “Thời gian trôi đâu mất rồi”, “Lòng mẹ”, “Mẹ yêu ơi”...
“Hai ca khúc “Mẹ tôi”, “Cha và con” với những ca từ hết sức chân thành về tình cảm của mẹ cha, cùng giọng ca đầy nội lực của ca sĩ Tùng Dương đã kể lại những “cậu chuyện” chạm vào tim của mình. Còn ca khúc khiến mình rưng rưng xúc động nhất là “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hiền Thục trình bày. Thực sự, mình đã không kìm nén nổi cảm xúc lúc đó”, Đức Trung bồi hồi nhớ lại.
5/50 gương mặt tình nguyện viên tại chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” năm 2023 |
Với Phạm Văn Trãi, chàng trai lại ấn tượng với tiểu phẩm “Báo hiếu” do các diễn viên nhà hát Tuổi trẻ trình diễn. Vẫn những câu chuyện “tưởng cũ mà mới” ở chính các gia đình hiện đại và càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết khi con người cứ mải mê kiếm lợi danh mà quên đi trách nhiệm làm con và quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ mình.
“Được tham gia hỗ trợ và trở thành một phần nhân sự của “Ơn nghĩa sinh thành” năm 2023 đã giúp mình như được thắp sáng hơn nữa niềm tin vào tình mẫu tử thiêng liêng, sự biết ơn đối với các bậc sinh thành. Mình tin rằng bất kỳ ai khi theo dõi chương trình đều có chung một cảm giác như vậy”, Phạm Văn Trãi nói.
Tình nguyện chụp ảnh lưu niệm với thành viên Ban tổ chức chương trình |
Cuộc sống hiện đại đi cùng với sự thay đổi, giao thoa liên tục của các nền văn hóa, khiến cho nhiều người trẻ dường như khó mở lòng với các thế hệ trước hơn. Những chương trình ý nghĩa như “Ơn nghĩa sinh thành” sẽ giúp họ được nhìn lại, lắng đọng tình yêu đó và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Những cảm xúc, câu chuyện của ý nghĩa tại chương trình giúp chúng mình hiểu mẹ cha hơn, tự dặn lòng trước khi là ai đó, lớn mạnh hay vững vàng đến đâu cũng đều phải biết nghĩ về cha mẹ, biết ơn, trân trọng sự hy sinh vất vả của bố mẹ, ông bà, đó mới chính là sự trưởng thành thực sự”, Trãi chia sẻ.