“Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" - Cuốn sách hay về Việt Nam thời Pháp thuộc
Hà Nội: Gần 4600 cuốn sách, truyện tặng các thư viện huyện Ba Vì “Góp một cuốn sách nhỏ” bồi đắp tinh thần yêu sách cho học sinh |
Bàn luận về văn hóa, lịch sử vùng thuộc địa Đông Dương
Cuốn sách "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" qua góc nhìn của một học giả người Pháp Pierre Foulon, được dịch bởi dịch giả Phan Tín Dụng.
Cuốn sách "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" |
Buổi tọa đàm có sự tham dự của GS.TS. Đỗ Quang Hưng – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và TS. Vũ Đức Liên – Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, với vai trò chuyên gia văn hóa lịch sử. Ngoài ra TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa – Đại học Văn hóa Hà Nội là người đảm nhận vai trò điều phối chương trình.
GS.TS Đỗ Quang Hưng bày tỏ sự xúc động khi ông có cơ hội giới thiệu tới độc giả Việt Nam về một cuốn sách biên sử về thời kỳ giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Pháp.
Giáo sư cho biết: "Với lối viết sử nhẹ nhàng, dù "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" mang tính hàn lâm cao, các độc giả vẫn sẽ dễ dàng tiếp cận được nội dung mà Pierre Foulon muốn truyền tải. Ông Foulon khi ấy là một thầy giáo, đã ghi chép hết sức chi tiết và mô tả cụ thể về một Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc với những áng văn gần gũi, chân thật".
(trái qua phải) GS.TS Đỗ Quang Hưng, TS Nguyễn Tiến Dũng và TS Vũ Đức Liên |
TS Vũ Đức Liên chia sẻ: "Có thể nói, "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" tựa như một cuốn nhật ký thời gian, được ghi chép hàng ngày với ngòi bút giản dị của Pierre Foulon. Với công việc dạy học tại trường Bưởi và an cư tại làng Nhật Tân, Pierr đã có sự "va chạm" giữa hai nền văn hóa Việt - Pháp. Qua đó, bằng cảm nhận và hiểu biết của mình, Pierre Foulon đã có những cuốn chép tay về cuộc sống của Việt Nam thời xưa, đó là điều đáng quý cho thế hệ đi sau có cơ hội tìm hiểu và hình dung ra được một ngày của cha ông ta thời xưa sẽ diễn ra như thế nào".
Những ghi chép dung dị
"Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" là những ghi chép dung dị của tác giả Pierr Foulon. Với cảm quan thế giới của một học giả người Pháp, Foulon thậm chí còn tiếp nhận nền văn hóa phương Đông, thổi hồn vào từng con chữ. Cuốn sử thi mang đậm giá trị nghệ thuật từ văn học, lịch sử, thi ca đến hội họa. Cuốn sách chia thành bốn chương tương ứng với bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Điều thú vị nữa là lời mở đầu được viết theo phong cách thơ "Lời ngỏ bên thềm" (Paroles sur Le Perron). Ngoài ra, Foulon còn mang đến cuộc đối thoại tưởng tượng giữa hai nhà triết học nổi tiếng từ Đông - Tây là Khổng Tử và Socrate trong phần "Palinodie".
Pierre Foulon thể hiện sự am hiểu về những khía cạnh tôn giáo và văn hóa các vùng Đông Dương. Ông phân tích sâu sắc từ những vấn đề lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới các khía cạnh gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng (tịch điền) và các chủ đề "siêu thực" về "cái chết", "bóng đêm".
Trong bốn điều quan trọng GS.TS Đỗ Quang Hưng tâm đắc về cuốn sách này, đặc biệt nhất chính là cảm thức của tác giả về mối quan hệ khác biệt. Foulon đã yêu Bắc Kỳ, yêu ngôi nhà của ông ở làng Nhật Tân và cả những con người giản dị ông gặp mỗi khi trên con đường từ trường Bưởi về nhà.
Giáo sư nhấn mạnh: "Cảm thức khác biệt là một trong những thứ tôi cho là điều quý nhất trong cuốn sử thi này. Khi chúng ta có một cảm thức tốt, vừa dân tộc vừa thời đại, lịch sử cụ thể, chúng ta phải hướng tới những cái nhân bản tương lai như thế nào? Nếu chúng ta có một cảm thức về quan hệ dân tộc, chúng ta có thể vượt qua những rào cản ý thức hệ".
GS.TS Đỗ Quang Hưng thể hiện sự xúc động khi chia sẻ về những nhận định, nghiên cứu của bản thân về "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" |
GS.TS Đỗ Quang Hưng còn nhận định: “Cuốn sách phản ánh đời sống song song giữa tinh thần và vật chất, điều hết sức đậm nét khi nói về văn hóa Á Đông. Foulon không chỉ hướng ngòi bút vào những sự kiện chính trị quan trọng mà còn vẽ lại một bức tranh lịch sử Bắc Kỳ qua tâm thức của nhân vật và chất liệu viết sử đặc biệt. Hơn nữa, Foulon viết về Bắc Kỳ dưới góc nhìn triết học, văn hóa, tôn vinh giá trị tinh thần và triết lý đáng quý của người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt và lễ nghi khi xưa”
“Nó khác biệt với mô tuýp viết sử quen thuộc, cuốn sách là một nhật ký thời gian, viết về những gì người xứ Bắc Kỳ làm trong một năm, có sự lý giải sâu sắc. Chúng ta như là nhà du hành tiến vào khu đất Bắc Kỳ ngày xưa, giúp chúng ta đi sâu vào triết học, văn hóa và tôn giáo. Đây là cách viết sử mà chúng ta thiếu” -TS. Vũ Đức Liêm nói.
Góc nhìn khác biệt của tác giả Foulon so với các học giả Pháp viết về Việt Nam trước đó nằm ở sự đối thoại hai chiều. Cuốn sách là một sự kết hợp giữa khoa học, triết học và nghệ thuật văn chương; nó là cuộc đối thoại giữa phương Đông và phương Tây với lối viết rất giản dị và tinh tế.
Cuốn sách hiện đang được giảm giá 30% nhân dịp ra mắt, chỉ còn 320 nghìn đồng |
Ngoài ra theo nhận định của TS. Vũ Đức Liêm, cuốn sách còn mang giá trị bởi tính giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Anh nhận xét: “Pierre Foulon là một trong những "người phương Tây bị phương Đông mê hoặc", với mong muốn tìm hiểu về văn hóa và con người Á Đông, Pierre Foulon đã quyến luyến Việt Nam với tâm tình trân quý những gì ông khám phá được về đất nước nhỏ bé, kiên cường này”.