1. Chia sẻ
Lý tưởng nhất là bố mẹ ngồi xuống và cùng nhau thảo luận về quan điểm nuôi dạy con trước khi sinh con. Việc chia sẻ quan điểm ngay từ đầu giúp hai bên có thời gian lắng nghe và bàn luận kỹ càng hơn về các quy tắc nuôi dạy.
Thảo luận cùng nhau không bao giờ là muộn ngay khi các bạn đã có em bé. Hai bạn hãy nói về ý tưởng nuôi dạy, quan điểm cá nhân về một số vấn đề phổ biến như kỷ luật, giờ đi ngủ, phạm vi giúp đỡ trẻ. Hãy trò chuyện trên tinh thần cởi mở, chân thành và tôn trọng ý kiến của nhau. Khi nhận ra điểm khác biệt trong quan điểm nuôi dạy, hãy tìm cách dung hòa. Bố mẹ càng chia sẻ sớm, việc giáo dục con cái sẽ càng thuận lợi.
2. Tạo quy tắc
Các cặp vợ chồng thường gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con nên việc tạo quy tắc sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nuôi dạy có định hướng trong khi trẻ học tính kỷ luật.
Một số quy tắc cần thiết lập trong gia đình, gồm: giờ giới nghiêm, giờ đi ngủ, trẻ cần xin phép khi đi chơi bên ngoài hoặc khi sử dụng thiết bị công nghệ, bài tập nên làm trước hay sau khi chơi.
3. Hình thức phạt
Hình phạt là điểm bất đồng phổ biến giữa nhiều phụ huynh. Có người dễ tính, hay mềm lòng nên chỉ khiển trách hoặc nhắc nhở. Ngược lại, nhiều phụ huynh đưa ra hình phạt nghiêm khắc, cứng rắn.
Nếu có hình thức phạt khác nhau, phụ huynh cần thảo luận để tìm ra phương án chung. Ví dụ, một số vi phạm của trẻ không nhất thiết phải phạt nghiêm khắc, chỉ nên nhắc nhở nhưng cũng có những sai lầm lớn, cần cứng rắn. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chọn đòn roi vì bạo lực chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của trẻ.
4. Nhất quán
Sau khi đã thống nhất về phương pháp nuôi dạy, quy tắc và hình phạt, vợ chồng nhất định phải tuân thủ và thực hiện nhất quán. Việc giáo dục sẽ hóa công cốc nếu một phụ huynh làm theo kế hoạch nhưng một người lại phá luật. Thiếu nhất quán còn tạo ra những bất đồng trong cuộc sống vợ chồng.
5. Không tranh cãi trước mặt trẻ
Trừ khi đối phương sử dụng bạo lực, vợ chồng không nên cãi nhau về phương pháp nuôi dạy trước mặt con. Trẻ ghi nhớ điểm bất hòa giữa bố mẹ và lần sau sẽ lợi dụng điểm này để làm nũng hoặc tạo thuận lợi cho mình. Ví dụ, khi trẻ biết bố không đồng ý với cách phạt của mẹ, bé sẽ mách bố khi bị mẹ phạt. Cả hai có thể nảy sinh tranh cãi mà quên mất trọng tâm là giáo dục trẻ.
Khi không hài lòng với hành động của bạn đời, bạn nên thảo luận riêng vào thời điểm không có mặt trẻ. Kể cả khi bàn bạc về các nguyên tắc giáo dục con, hai bạn cũng nên làm việc riêng.
Ảnh: Shutterstock. |
6. Mở lòng
Dù đã có kế hoạch, vợ chồng vẫn có thể mắc sai lầm khi nuôi dạy con cái. Trong những tình huống như vậy, bạn không nên chì chiết, đổ lỗi hoặc gán trách nhiệm lên bạn đời. Đợi đến khi trẻ không có mặt, bố mẹ nên bình tĩnh ngồi lại thảo luận về những sai lầm và tìm cách sửa đổi.
Ngoài ra, phụ huynh nên hỗ trợ nhau trong việc nuôi dạy con cái. Ví dụ, không thể vì vợ hoặc chồng bận làm việc mà giao phó toàn bộ trách nhiệm chăm sóc con lên đối phương. Trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của cả bố và mẹ nên vai trò của hai người là như nhau. Dù bận rộn, bạn hãy sắp xếp thời gian chơi đùa cùng con hoặc trợ giúp bạn đời trông con.
7. Linh hoạt
Một kế hoạch nuôi dạy thống nhất không có nghĩa là hoàn hảo và có thể áp dụng trong mọi tình huống. Tùy thuộc vào tính cách và sự phát triển của trẻ, phụ huynh nên thường xuyên quan sát, thảo luận để thay đổi phương án nuôi dạy phù hợp. Một số trẻ sẽ cần kỷ luật nghiêm khắc hơn nhưng cũng có bé cần được nới lỏng.