Vĩnh Phúc: Hiệu quả công tác truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản trước kết hôn

Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng.
Bắt khẩn cấp đối tượng bắn trưởng công an xã tại Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc: Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng đồng chí Nguyễn Hồng Hải Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Phúc

Nhận thức rõ thực trạng, nguy cơ sức khoẻ vị thành niên, thanh niên

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên.

Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 - 1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên.

Thậm chí, có những sản phụ chỉ mới 12 - 13 tuổi, thời điểm mà cơ thể các em còn chưa phát triển hoàn thiện.

Theo số liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội, tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục, tính đến hết lớp 12, con số này là 39%. Thậm chí, 10% học sinh THPT cho biết, từng quan hệ với từ 3 người trở lên.

Ông Đào Anh Thái -  Chi cục trưởng - Chi cục Dân số Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị
Ông Đào Anh Thái - Chi cục trưởng - Chi cục Dân số Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị

Trong xã hội hiện đại hiện nay, với sự "nở rộ" của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được “trẻ hóa” khiến vị thành niên, thanh niên đứng trước nguy cơ quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục ở tuổi vị thành niên, thanh niên ngày càng ra tăng.

Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế; các em gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Mặt khác, khi tiếp xúc, giáo dục giới tính cho vị thành niên, thanh niên nhiều khi còn né tránh, trong khi chính các em lại đang rất cần được hướng dẫn đầy đủ. Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên hiện nay.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông

Nhận thức rõ thực trạng, nguy cơ và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Trong những năm qua, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Dân số tỉnh Vĩnh Phúc đã cụ thể hoá, xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng đến hoạt động truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên, nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ tích cực và thay đổi hành vi cho cộng đồng được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng và nội dung phong phú. Truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như xây dựng các chuyên mục, bài viết, phóng sự trên các báo, đài, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh...

Cùng với đó, phối hợp truyền thông với các ban, ngành, đoàn thể, trọng tâm là ngành giáo dục thông qua đa dạng các hình thức có ý nghĩa thiết thực trong việc tuyên truyền tư vấn, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên trong các nhà trường như: Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi, truyền thông với hình thức sân khấu hóa; đổi mới cách tiếp cận, nội dung, thông điệp, hình thức truyền thông phù hợp với đối tượng. Xây dựng các thông điệp, sản xuất các sản phẩm truyền thông đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm về phong tục tập quán, văn hóa…

Giao lưu, chia sẻ của học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc
Giao lưu, chia sẻ của học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc

Đặc biệt năm 2024, Chi cục Dân số đã phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tổ chức hiệu quả 8 buổi truyền thông trực tiếp trong nhà trường, với sự tham gia của 9.490 học sinh.

Mặc dù với quy mô nhỏ nhưng sức lan tỏa lớn với 100% học sinh trong nhà trường được tiếp cận những thông tin, kiến thức, kỹ năng cơ bản để chăm sóc sức khỏe của bản thân; phát hiện, dự phòng các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, kỹ năng tình dục an toàn, lành mạnh; về các biện pháp tránh thai; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, tại buổi truyền thông các em được giới thiệu các sản phẩm truyền thông, được thực hành trên các mô hình trực quan, các em mạnh dạn cởi mở, trao đổi chia sẻ những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản lứa tuổi mình.

Bên cạnh cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, nội dung về tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn cũng được quan tâm nhấn mạnh tại buổi truyền thông.

Trước kia, khi chuẩn bị kết hôn, các cặp đôi thường quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị điều kiện vật chất cho cuộc sống gia đình trong tương lai, mà chưa quan tâm đến việc khám sức khoẻ trước khi kết hôn.

Tại các buổi truyền thông các bạn trẻ được trang bị kiến thức, tâm lý về đời sống chăn gối; phát hiện, tầm soát sớm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh. Đồng thời được tư vấn giới thiệu đến các dịch vụ cơ sở y tế để khám sức khoẻ trước khi kết hôn.

Những phản hồi tích cực từ học sinh

Qua các buổi truyền thông, bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các em học sinh, các em không chỉ tiếp thu kiến thức, tương tác trả lời các câu hỏi của báo cáo viên, mà còn mạnh dạn đặt câu hỏi, nêu ra các vấn đề các em còn băn khoăn.

Em Lê Ngọc Hân - Lớp 10 Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật chia sẻ: "Em rất vui và cảm thấy may mắn khi được tham dự buổi truyền thông này, qua buổi truyền thông chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực trong cuộc sống.Trước đây, bản thân em cũng như các bạn thường tự tìm hiểu thông tin qua các trang mạng xã hội, qua các kênh thông tin khác và có những thông tin coi đó là đúng nhưng qua buổi truyền thông này em mới hiểu, nhận thức rõ, đầy đủ hơn về những nguy cơ ảnh hưởng đến học tập, sức khoẻ cũng như tinh thần ở lứa tuổi mình. Từ đó giúp chúng em biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bản thân, dự phòng liên quan đến sức khỏe cho tương lai".

Sự ủng hộ từ phía nhà trường

Hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các em học sinh, mà đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của Ban lãnh đạo các nhà trường.

Chia sẻ với thầy Nguyễn Văn Việt - Phó giám đốc-Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc cho biết, sau khi nhận được kế hoạch của Chi cục Dân số, nhà trường đã chủ động phối hợp với Chi cục Dân số để triển khai các nội dung cần thiết phục vụ công tác tổ chức. Đồng thời, tham dự buổi truyền thông với những thông tin, kiến thức mà báo cáo viên chia sẻ bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo nhận thấy đây thực sự là nội dung cần thiết, bổ ích giúp các em học sinh có được những thông tin, kiến thức và kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hành lối sống lành mạnh an toàn, phòng tránh và xử trí các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, Phòng tránh có thai ngoài ý muốn, hậu quả của việc nạo phá thai, sinh con ở tuổi VTN,TN.

Về phía nhà trường mong muốn tiếp tục được đón nhận chương trình này của Chi cục Dân số để các em học sinh được tiếp cận thông tin, được tác động nhiều lần “Mưa dầm thấm lâu” từ đó các em sẽ dần thay đổi nhận thức, biết chăm sóc, giữ gìn bản thân để mỗi em phát triển một cách an toàn, toàn diện nhất trong ngôi trường cũng như ngoài xã hội.

  Báo cáo viên Kim Thị Hồng Lụa - Chi cục Dân số Vĩnh Phúc trao đổi, chia sẻ cho học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Tường
Báo cáo viên Kim Thị Hồng Lụa - Chi cục Dân số Vĩnh Phúc trao đổi, chia sẻ cho học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Tường

Có thể nói, hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trong nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, giải quyết được những "lỗ hổng" về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở lứa tuổi VTN,TN. Để tiếp tục triển khai tốt hoạt động truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn.

Ông Đào Anh Thái - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Vĩnh phúc cho biết, trong thời gian tới, tiếp tục chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTN/TN mà trọng tâm là trong nhà trường; Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, phương thức truyền thông, các sản phẩm truyền thông nhằm thu hút, tác động tới nhận thức và thay đổi hành vi của VTN/TN; Phối hợp với các nhà trường xây dựng và nhân rộng các mô hình truyền thông chuyên biệt như: tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi, xây dựng góc thân thiện tại các trường THPT,THCS, phối hợp với Tổ tư vấn của nhà trường để tư vấn riêng khi các em có những tâm sự cần được tư vấn.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tượng là cha mẹ, ông bà…để giáo dục, động viên con cháu trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTN,TN, tham gia tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn. Phấn đấu đến năm 2030 giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn, 90% tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn như mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 đề ra.

Hồng Lụa
Phiên bản di động