Bắc Giang: Hơn 3,5 nghìn ha rừng sản xuất bị gãy đổ do bão
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang, địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai |
Theo báo cáo nhanh của các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại do bão 3 gây ra khoảng hơn 3,5 nghìn ha rừng bị gẫy đổ.
Trong đó, huyện Sơn Động 2.480ha, Lục Ngạn 550ha, Lục Nam 103ha, huyện Yên Thế 400ha, Lạng Giang 20ha và Tân Yên 0,3ha.
Hiện nay còn nhiều xã trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam đang bị nước lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận để thống kê thiệt hại, có thể diện tích rừng bị thiệt hại do bão còn có thể tăng cao.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bão số 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bão số 3 đã làm hơn 3,5 nghìn ha rừng sản xuất của tỉnh Bắc Giang bị gãy, đổ |
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo tuyệt đ ối an toàn về người, bảo đảm an toàn tối đa về tài sản của người dân và tổ chức; thông tin, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Đối với diện tích thiệt hại về rừng trồng chưa thành rừng (dưới 36 tháng), đề nghị chủ rừng thực hiện các biện pháp dựng lại cây bị đổ; chặt bỏ cây gãy ngang thân; tiếp tục trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ.
Đối với diện tích thiệt hại về rừng trồng đã thành rừng, đề nghị chủ rừng căn cứ tình hình thực tế tùy theo mức độ thiệt hại, có thể khai thác tận thu để thực hiện trồng mới.
Tại TP Bắc Giang, cơn bão số 3 đã làm hơn 1,3 nghìn cây xanh đô thị bị gãy, đổ, bật gốc. Nhiều tuyến phố vốn có những hàng cây đẹp như đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Lương Văn Nắm, Nguyễn Thị Định và khu đô thị Bách Việt, khu phố đi bộ phía Nam TP Bắc Giang có nhiều cây đổ la liệt.
Cơn bão số 3 đã làm hơn 1,3 nghìn cây xanh đô thị tại TP Bắc Giang bị gãy, đổ, bật gốc |
Hiện nay, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước dâng cao trên các con sông lớn, nhiều nơi bị ngập lụt, cô lập, chia cắt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình trong trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mực nước trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Đáp Cầu 5,53m (trên báo động 2 là 0,23m); nước trên sông Thương tại Trạm thủy văn Phủ Lạng Thương 6,11m (trên báo động 2 là 0,81m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,6m (trên báo động 3 là 0,3m).
Dự báo mực nước trên các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang vừa phát lệnh báo động số 3 trên sông Thương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp vào khu dân cư thăm hỏi, động viên người dân tại Bắc Giang |
Hiện nay, lực lượng chức năng tại Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ nhiều người dân di dời đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 4.627 lượt cán bộ, chiến sĩ với 74 ô tô các loại, 10 xuồng cao tốc tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương. Thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khoảng 345 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có một người thiệt mạng do thiên tai.
Sáng 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang, địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. Đây là xã nằm ven sông Cầu, có 9.000 dân, đang bị chia cắt. Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở. |