Xây dựng Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo

So với các quy định của luật hiện hành, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Hà Nội.
Xây dựng Luật Thủ đô để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân quyền toàn diện cho Hà Nội

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Để làm được điều này, theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, song song với việc chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh thì cần cho phép thực hiện liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính.

Cùng với đó, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; xây dưng cơ chế thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cấp học...

Xây dựng Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam).

Nhất trí với quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được nêu trong dự thảo luật, nhưng đại biểu Vương Quốc Thắng cũng cho rằng để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài” đưa Thủ đô trở thành thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, thì phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

Đại biểu cho rằng cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài lương hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài.

“Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công”, đại biểu Thắng nói.

Cùng với đó, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng đề nghị nghiên cứu chính sách với nhân tài hoạt động cơ hữu và một số hoạt động theo các chương trình, sự việc cụ thể.

Chế độ tiền lương, thu nhập phù hợp với đặc thù

Xây dựng Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ).

Góp ý vào chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) phân tích, tại Khoản 1 quy định: “Thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương có số lượng công chức, viên chức rất lớn và đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, độc hại nghề nghiệp như công an, quân đội… nếu có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp.

Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên nêu cụ thể ngành nào để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn.

Đại biểu cũng có góp ý thêm về khoản 3 Điều 25 của dự thảo luật quy định: “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô được hỗ trợ chi phí ươm tạo bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp; dịch vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung”.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, cần bổ sung nội dung doanh nghiệp khởi nghiệp để đối tượng này được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tạo điều kiện cho các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào trong cuộc sống, thương mại.

Hậu Lộc
Phiên bản di động