Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân quyền toàn diện cho Hà Nội
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) Hàng loạt chính sách bảo vệ, phát huy giá trị di sản cho Thủ đô Hà Nội Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội |
Nhất trí ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chiều 10/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô.
Theo ông Tùng, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật phải bám sát các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. |
Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Đồng thời, dự án luật cũng cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.
Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, cách thức thể hiện trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm.
Các nội dung đã, đang thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô, có sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào luật.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Cùng với đó, nội dung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua thì Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có thể quy định mức đặc thù cao hơn; các nội dung chưa rõ, chưa thật ổn định, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu…
Về áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo và cho rằng để thực hiện có hiệu quả quy định này, đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, vai trò của chính quyền thành phố Hà Nội và cơ chế xử lý trong trường hợp các bên có ý kiến khác nhau về nội dung của chính sách.
Đối với việc giao Chính phủ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết hoặc giao quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thì nội dung trong các văn bản này phải phù hợp với Luật Thủ đô nhưng có thể khác với quy định của các luật khác hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan Nhà nước cấp trên; bổ sung trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc ban hành các văn bản để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát.
Theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định về đổi mới phương thức hoạt động của HĐND thành phố và HĐND quận, thị xã.
Cũng có ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại TP HCM và thành phố Đà Nẵng (không tổ chức HĐND ở quận và phường).