Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới rất cần sự đóng góp trí tuệ của toàn xã hội

Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV diễn ra tại Phú Thọ Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam Khẳng định giá trị văn hóa người Hà Nội trong hệ giá trị gia đình Việt Nam

Tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành

Chiều 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” tiếp tục với phiên làm việc thứ hai chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới rất cần sự đóng góp trí tuệ của toàn xã hội
Quang cảnh phiên thảo luận

Nói về “Một số nhận thức về hệ giá trị văn hóa”, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.

Về “Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hệ giá trị văn hóa không tồn tại chung chung mà rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội. Trong xã hội học, đây là các môi trường xã hội hóa quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách của con người. Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành giá trị văn hóa là qua các bài học làm gương thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác. Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội.

Hệ giá trị quốc gia vừa là đích đến, vừa là tiêu chuẩn

Nói về “Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia”, GS.TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới rất cần sự đóng góp trí tuệ của toàn xã hội
GS.TS Từ Thị Loan nói về vấn đề “Xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay”

Theo GS. TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc thực hiện một số giá trị trong hệ giá trị quốc gia này không phải là mới, chúng ta đã tiến hành trong cả quá trình lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ ngày nay của chúng ta là tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị ấy đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Công cuộc này rất cần tới sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Kết thúc phiên thảo luận buổi chiều là phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu ở các điểm cầu đã nêu ý kiến về vấn đề hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; Qua đó, đặt ra mục tiêu xây dựng các hệ giá trị phát triển trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử; Qua đó để khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững.

Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động