Khẳng định giá trị văn hóa người Hà Nội trong hệ giá trị gia đình Việt Nam

Văn hóa gia đình là một trong những nền tảng, cốt lõi để hình thành nên giá trị văn hóa người Hà Nội. Trải qua cả ngàn năm hình thành và phát triển trong lòng đô thị, lại là trung tâm văn hóa của một đất nước, mỗi gia đình Hà Nội ngày càng xác lập cho mình những giá trị vững bền. Để từ đó, giá trị con người hòa quyện trong giá trị gia đình, đưa những giá trị văn hóa thăng hoa lên tầm cao mới trong thời đại hội nhập quốc tế.
Triển lãm sách tài liệu về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” Hơn 600 cán bộ văn hóa, xã hội được tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền cổ động trực quan 120 nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo quốc gia về văn hóa tại Hà Nội

Làm sâu sắc hơn về quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra trong ngày 29/11 tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh là dịp hiếm có để ngành Văn hóa được tiếp thu, lắng nghe các luận cứ khoa học để làm sâu sắc hơn về quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa.

Trong đó có mong muốn làm rõ các nội hàm về hệ giá trị của quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người trong giai đoạn mới. Từ đó, ngành có cơ sở tổ chức thực hiện và triển khai một cách đầy đủ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Đảng.

Truyền thống văn hóa gia đình luôn là một giá trị vững bền của người Việt
Truyền thống văn hóa gia đình luôn là một giá trị vững bền của người Việt (Ảnh minh họa)

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và Hội thảo Văn hóa 2022 là hai sự kiện quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hội thảo về 4 hệ giá trị quốc gia cụ thể hóa nội dung các thành tố của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đã được nêu trong phát biểu kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".

Phát huy hơn nữa giá trị của văn hóa gia đình người Hà Nội

Trong khi đó, đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là người Hà Nội, đây cũng là dịp quý báu để chúng ta nhìn lại những giá trị mà bản thân mỗi người tạo dựng được trong gia đình mình, gia đình mình tạo được trong toàn thể xã hội, đóng góp chung vào truyền thống văn hóa gia đình quý báu, làm nên nét thanh lịch văn minh của Hà Nội nói riêng và sự gắn kết, tình cảm ruột thịt trong văn hóa gia đình của đất nước Việt Nam nói chung.

Gia đình tam đại đồng đường ở Hà Nội (Ảnh minh họa)
Gia đình tam đại đồng đường ở Hà Nội (Ảnh minh họa)

Dù được hình thành và phát triển trong lòng một đô thị sôi động, nhộn nhịp nhưng giá trị gia đình của người Hà Nội chưa bao giờ phôi pha mà thậm chí ngày càng được gắn kết, bền chặt. Điều đó được thể hiện qua việc ở Hà Nội hiện nay vẫn còn tồn tại những mẫu hình gia đình tam đại, thậm chí tứ đại đồng đường. Dù rằng, mỗi thế hệ mỗi suy nghĩ, mỗi nếp sống, cách sinh hoạt, giờ giấc, thói quen, tư duy khác nhau nhưng từng cá nhân biết dung hòa để “xung đột thế hệ” ít xảy ra.

Trong công cuộc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh và đặc biệt là việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã thu được những kết quả vô cùng đáng tự hào. Một số hành vi lệch chuẩn của một bộ phận người Hà Nội bị báo chí, truyền thông và dư luận lên án đã từng bước được chấn chỉnh, để trả lại một hệ thống xuyên suốt lối ứng xử văn minh mang đầy “chất” Hà Nội.

Trong mỗi gia đình, người Hà Nội không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức, tạo điều kiện cho con cháu được học tập trong môi trường tốt nhất với nguồn nhân lực chất lượng cao mà bản thân mỗi người lớn cũng đều làm gương, là “người thầy” dạy về văn hóa cho thế hệ kế cận. Có thể nói, từng ngày, từng giờ, miệt mài không bao giờ ngơi nghỉ, người Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tạo cho mình một bầu không khí thấm đẫm văn hóa gia đình.

Ở đó, ông bà cha mẹ yêu thương, bảo ban con cháu điều hay lẽ phải, là tấm gương sáng về ứng xử văn minh thế hệ trẻ noi theo. Với những người trẻ, tinh thần cầu thị, hỏi học và ý thức cao về giữ gìn phẩm giá, cốt cách người Hà Nội đã có sẵn trong huyết quản, luôn là một phản ứng vô điều kiện trước các hành vi lệch chuẩn.

Có được điều đó là bởi truyền thống văn hóa lâu bền trong con người Hà Nội. Có thể nói, văn hóa gia đình và văn hóa con người Hà Nội hòa quyện vào nhau làm thành những giá trị vững bền không thể phá vỡ như mối quan hệ cần và đủ. Có con người văn hóa thì sẽ có gia đình văn hóa và ngược lại, có gia đình văn hóa sẽ tạo nên những cá nhân, những con người văn hóa.

Những thành viên trong gia đình luôn tự giác hoàn thành bổn phận, trách nhiệm của mình để sẻ chia, yêu thương với mọi người
Những thành viên trong gia đình luôn tự giác hoàn thành bổn phận, trách nhiệm của mình để sẻ chia, yêu thương với mọi người (Ảnh minh họa)

Trong gia đình Hà Nội, có sự thương yêu, có sự nhường nhịn, có sự hi sinh nhưng cao hơn tất cả là có sự tự giác. Tự giác làm tốt các phần việc của mình, tự giác làm gương cho người khác, tự giác biết sai để sửa, tự giác biết bị phê bình đúng để thay đổi. Nếu không có ý thức tự giác ấy, sự gắn kết không thể lâu bền, tạo nên những giá trị vĩnh hằng được.

Trước sự biến thiên của thời gian, thay đổi của xã hội, bất cứ ai cũng có thể đổ lỗi cho điều kiện, hoàn cảnh mà tự mình phá vỡ những truyền thống ấy. Song, có sự tự giác cùng với bản tính, cốt cách Hà Nội trong máu thịt, mỗi người Hà Nội sẽ tự biết vạch ra đúng con đường mình đi, hòa chung “con đường” ứng xử của tất cả cư dân trong thành phố.

Đó là lí do tại sao mà những người ở các tỉnh thành khác khi nhìn vào một người Hà Nội sẽ nhận ngay ra những nét khác biệt, đặc trưng của họ so với các vùng khác. Từ đó, người ta cũng nhìn ra cả gia đình của người Hà Nội ấy ra sao. Được tổng hòa bởi nhiều gia đình như thế, văn hóa gia đình nói riêng và văn hóa của Hà Nội chung sẽ như một dòng chảy xuyên suốt để mỗi khi nhìn lại chúng ta luôn luôn được tự hào và trân trọng.

Với những giá trị ấy, xứng đáng làm nên văn hóa của trái tim cả nước, người Hà Nội cùng cả nước giữ gìn vững chắc hệ giá trị gia đình Việt và tạo nên chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới, cùng nắm vững và làm chủ tương lai trong tiến trình phát triển của mình.

Cẩm Tú
Phiên bản di động