Vốn tín dụng sẽ bơm thêm vào lĩnh vực xăng dầu dịp cuối năm

Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng và tạo điều kiện cho các nhà băng bố trí nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là năng lượng, xăng dầu dịp cuối năm.
"Ông trùm" xăng dầu Việt Nam Petrolimex giảm sốc mục tiêu lợi nhuận Đề xuất tiếp tục giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023

Thông tin trên được ông Phạm Chí Quang - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Bộ Công thương tổ chức ngày 8/12.

Theo ông Quang, để chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, các ngân hàng thương mại sẽ chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, nhất là trong dịp Tết.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng tự quyết định chuẩn cho vay, không có cá nhân tổ chức nào được can thiệp vào việc cho vay của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn hướng các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn vào lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là năng lượng, xăng dầu.

Vốn tín dụng sẽ bơm thêm vào lĩnh vực xăng dầu dịp cuối năm
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Quang, thời gian qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát từng ngân hàng về hạn mức cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trên cơ sở đó Thống đốc cũng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn vào các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

Liên quan đến dòng vốn tín dụng, ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Lý giải nguyên nhân tăng room tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu là tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, với mức tăng 1,5 - 2% tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng 12,2%.

Như vậy room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động