Vĩnh Phúc: Nỗ lực chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số của Vĩnh Phúc với thời gian chưa dài song đã đi đúng hướng, lựa chọn được những công việc đột phá trong thực hiện các trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, từng bước định hình, hướng đến tạo những giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.
Khởi tố 3 lãnh đạo liên quan dự án nâng cấp, cải tạo chợ Hợp Châu, Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc: Lên phương án cưỡng chế, thu hồi đất một hộ dân tại thị trấn Thổ Tang Vĩnh Phúc: Xử phạt 2 nhà thuốc, tước giấy phép 1 phòng khám

Chính sách dẫn đường trong chuyển đổi số

Nhằm tạo cơ chế, chính sách dẫn đường trong chuyển đổi số, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên toàn tỉnh và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn.

Chuyên trang tuyên truyền về Chuyển đổi số trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh góp phần chuyển đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Chuyên trang tuyên truyền về Chuyển đổi số trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh góp phần chuyển đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội.

UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công trong chuyển đổi số. Trước mắt, chủ động tự nghiên cứu, học tập, tìm kiếm, tìm hiểu các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số, đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có nhận thức đúng, đồng tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.

Là cơ quan thường trực về chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò đi đầu thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Ông Vũ Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Bên cạnh việc tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản, cơ chế chính sách về chuyển đổi số, từ quý IV/2021, Sở đã đổi tên bản tin và cho ra đời cuốn bản tin chuyển đổi số; thực hiện tuyên truyền lưu động về chính quyền số nhằm thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu về chuyển đổi số, thông qua sử dụng các ứng dụng nền tảng góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Sở chỉ đạo Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh xây dựng chuyên trang về chuyển đổi số, đăng tải trên chuyên trang gần 700 thông tin, dữ liệu về chuyển đổi số.

Về công tác phát triển hạ tầng và nền tảng số, theo ông Vũ Mạnh Toàn, hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, làng trên địa bàn tỉnh. Đến 10/3/2022, toàn tỉnh có 2.895 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel. Tính đến 28/2/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.244.000 thuê bao điện thoại di động (trong đó 935.000 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh); 223.500 thuê bao Internet băng rộng cố định và 785.250 thuê bao Internet băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định là 72,4%.

Hiện 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính để làm việc.

Đặc biệt, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến gồm 1 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 2 điểm tại các sở, ngành, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố, 136 xã, phường, thị trấn phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Phát triển kinh tế số, xã hội số

Hiện toàn tỉnh có 3.801 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số; 540 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistic sử dụng công nghệ số; 472 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số. Tổng doanh thu khu vực sản xuất, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số năm 2021 đạt 118.204 tỷ đồng. Tổng sản phẩm (GRDP) của khu vực sản xuất và dịch vụ lĩnh vực điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - phát thanh truyền hình năm 2021 đạt 25.541 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng sản phẩm GRDP của tỉnh.

Hết năm 2021, tỷ lệ người dân Vĩnh Phúc sử dụng thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động tương đối cao, đạt 87,4% dân số. Việc sử dụng điện thoại thông minh đã tác động rất lớn đến nhận thức của mỗi người về bản thân, về cộng đồng và về xã hội; đây cũng là phương tiện để mỗi người, cả cộng đồng có thể tham gia tích cực và công cuộc chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và lãnh đạo một số sở, ban, ngành chứng kiến Bản ghi nhớ về Chuyển đối số trong quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và lãnh đạo một số sở, ban, ngành chứng kiến Bản ghi nhớ về Chuyển đối số trong quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp

Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tương đối phát triển, nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử. Hiện tại có 6.066 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 11.852 chữ ký số, trong đó 2.059 chữ ký số chuyên dùng dành cho cán bộ cơ quan nhà nước, 9.793 chữ ký số công cộng dành cho doanh nghiệp và cá nhân. Việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chữ ký số giúp làm giảm thời gian và công sức xử lý giấy tờ cho cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân. Vĩnh Phúc có 5.148 tên miền, trong đó Trung tâm Internet Việt Nam cung cấp 2.396 tên miền.vn, các tổ chức quốc tế cung cấp 2.752 tên miền. Với số lượng tên miền như vậy, thông tin về con người, văn hóa, du lịch, giáo dục, doanh nghiệp, làng nghề, thị trường, liên quan đến tỉnh Vĩnh Phúc trên mạng Internet rất đa dạng, phong phú.

Cần quyết liệt hơn nữa trong chuyển đổi số

Thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công mức độ 4, giai đoạn 2022-2026 và nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2026.

Tỉnh bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành để triển khai kịp thời, đúng tiến độ nhiệm vụ chuyển đổi số; tham khảo mô hình, học tập kinh nghiệm tại các địa phương đã thực hiện hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chính quyền điện tử đặt ra tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện các cơ quan chức năng dự lễ công bố thí điểm dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.N
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện các cơ quan chức năng dự lễ công bố thí điểm dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt chỉ đạo việc vận hành, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Xây dựng công cụ giám sát, đánh giá việc vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương. Xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan trong trường hợp các ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các tổng công ty, tập đoàn lớn, có tiềm lực về công nghệ, công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực. Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thôn để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; đưa người dân lên môi trường số, khuyến khích người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Đức Hiền- Lê Sơn
Phiên bản di động