Vĩnh Phúc: Nhìn lại quá trình lên thị trấn của xã Tam Hồng

Việc trở thành thị trấn Tam Hồng (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) sẽ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hoá, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, công trình công cộng, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hoá.
Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức toạ đàm tại New York Vĩnh Phúc: Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ Vĩnh Phúc: Ham mê cờ bạc trên mạng, hai thanh niên rủ nhau đi cướp điện thoại

Quá trình hình thành và phát triển của xã Tam Hồng

Tam Hồng là xã có công trình văn hóa tâm linh với Khu Di tích Đền Bắc Cung được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng của huyện. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngày càng phát triển đã và đang tạo nên diện mạo mới cho đô thị Tam Hồng.

Diện mạo đô thị Tam Hồng hôm nay
Diện mạo đô thị Tam Hồng hôm nay

Về lịch sử hình thành của xã này, cuối năm 1946, Tam Hồng cũng như nhiều địa phương khác trong huyện Yên Lạc có nhiều thanh niên chắp nối, liên lạc với tổ chức Đảng và trở thành hạt nhân lãnh đạo, góp phần tạo nên những thắng lợi của phong trào cách mạng ở địa phương.

Các đồng chí: Vũ Văn Tự ở thôn Bình Lâm và Nguyễn Hữu Choát ở thôn Lâm Xuyên được giác ngộ và kết nạp vào Đảng, sinh hoạt ghép với chi bộ Nguyệt Đức, Quyết Thắng (xã Yên Phương), gọi tắt là chi bộ Tam - Quyết - Nguyệt.

Tháng 4/1947, đồng chí Nguyễn Văn Vi ở Lâm Xuyên được kết nạp Đảng, từ đó địa phương được thành lập 1 tổ Đảng do đồng chí Vũ Văn Tự làm Tổ trưởng. Đến tháng 6/1947, chi bộ Tam - Quyết - Nguyệt lại tách ra và chi bộ Tam - Hồng - Hiệp được thành lập bao gồm các đồng chí đảng viên của 3 xã là Tam Lâm, Hồng Lạc và Hiệp Lực (Yên Đồng).

Đến ngày 10/9/1947, tổ Đảng Tam - Hồng - Hiệp được tách thành 2 chi bộ là Hiệp Lực và Tam Lâm - Hồng Lạc. Chi bộ Tam Lâm - Hồng Lạc do đồng chí Kình làm Bí thư. Đầu tháng 10/1948, hai xã Tam Lâm, Hồng Lạc được sáp nhập thành một xã Tam Hồng như ngày nay.

Tam Hồng ngày càng phát triển sầm uất
Tam Hồng ngày càng phát triển sầm uất.

Tam Hồng là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng, trong suốt các chặng đường phát triển lịch sử của dân tộc, Nhân dân trong xã đã đã trải qua biết bao gian lao vất vả, chống chọi với thiên tai, địch họa.

Từ thực tiễn đấu tranh để sinh tồn, người dân nơi đây đã sớm biết đoàn kết một lòng, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng kiên cường trong chiến đấu để vượt qua mọi khó khăn thử thách và đạt được những kết quả to lớn.

Quá trình hình thành và phát triển của Đảng ủy xã Tam Hồng luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Tam Hồng đang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao của huyện Yên Lạc, được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V.

Về vị trí địa lý, xã Tam Hồng nằm ở trung tâm của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp thị trấn Yên Lạc, xã Tề Lỗ, xã Trung Nguyên; phía Nam giáp xã Liên Châu, xã Yên Phương; phía Tây giáp xã Yên Đồng; phía Đông giáp xã Yên Phương.

Xã Tam Hồng nằm trong quy hoạch chung đô thị, ở vị trí trung tâm của huyện và tiếp giáp thị trấn Yên Lạc. Xã này có nhiều đường tỉnh lộ, huyện lộ đi qua là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa; học tập, đi lại, khám chữa bệnh và tạo điều kiện cho kinh tế thương mại - dịch vụ của xã phát triển.

Xã có quy mô dân số tính đến ngày 31/12/2021 là 16.506 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 8.834 người. Cơ cấu kinh tế của xã đạt mức tăng trưởng trên 14% và tăng theo hướng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại - dịch vụ. Tổng thu ngân sách của xã đạt trên 76 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 83,45 triệu đồng/người/năm.

Thị trấn Tam Hồng sẽ phát triển về mọi mặt, xứng đáng với tiềm năng

Có thể nói, kinh tế - xã hội của xã Tam Hồng phát triển khá và toàn diện. Kết cấu hạ tầng của xã được đầu tư mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế các ngành thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng kinh tế ngành nông.

Đặc biệt, xã có nhiều loại hình dịch vụ phát triển mạnh trên các lĩnh vực, có chợ Tam Hồng đã và đang là trung tâm giao dịch, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của xã nói riêng và các địa phương lân cận nói chung như xã Yên Đồng, xã Đại Tự, xã Bình Định thuộc huyện Yên Lạc.

Các cấp trường học trên địa bàn Tam Hồng được đầu tư
Các cấp trường học trên địa bàn Tam Hồng được đầu tư cơ bản.

Lĩnh vực văn hóa xã hội, thể dục thể thao của xã phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có 3 cấp gồm 4 trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của con em tại địa phương. Trạm y tế của xã đạt chuẩn quốc gia, có đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu và đội ngũ chuyên môn đáp ứng công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Toàn xã có 13 nhà văn hóa; 9 sân bóng chuyền, 13 sân cầu lông, 21 bàn bóng bàn, đủ phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân trong xã.

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của xã được phát huy cao với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được duy trì thường xuyên và được đông đảo quần chúng tham gia. Toàn xã có 13/13 thôn đều đạt “Thôn văn hóa”, 89% hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đoàn kết.

Trong nhiều năm qua, xã Tam Hồng luôn thực hiện tốt công tác giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định; đồng thời động viên khuyến khích được người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học tập, lao động sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt một phần khó khăn cho gia đình và xã hội. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm luôn được xã quan tâm. Hiện số hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 0,5%.

Lễ hội Đền Bắc Cung diễn ra từ ngày 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mão 2023.
Lễ hội Đền Bắc Cung diễn ra từ ngày 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mão 2023.

Về kiến trúc cảnh quan, Tam Hồng được đầu tư xây dựng với kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch chi tiết cảnh quan đô thị. Khu hành chính của xã được xây dựng khang trang; các khu dân cư cũng được quy hoạch đồng bộ, xây dựng nhà ở khang trang, đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch văn hóa tâm linh, đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng như phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

An ninh và trật tự an toàn xã hội của xã luôn được đảm bảo. Tội phạm hình sự được kiềm chế, không có tội phạm nghiêm trọng sử dụng vũ khí nóng gây án, tai nạn giao thông giảm; công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội được xã tăng cường, duy trì tốt hoạt động với 132 tổ liên gia tự quản và mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”.

Đánh giá các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định về thành lâp thi trấn, xã Tam Hồng đủ điều kiện để trở thành thị trấn thuộc huyện Yên Lạc cả về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và các điều kiện của một đô thị.

Việc thành lập thị trấn Tam Hồng trên cơ sở nâng cấp nguyên trạng địa giới hành chính của xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc là hết sức cần thiết và khách quan, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung của huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. Như vậy, sau ngày 10/4/2023, huyện Yên Lạc vẫn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng có 2 thị trấn là thị trấn Yên Lạc và thị trấn Tam Hồng.

Việc trở thành thị trấn sẽ tạo điều kiện rất lớn để Tam Hồng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, công trình công cộng, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hoá.

Đồng thời, người dân trên địa bàn cũng sẽ được cung cấp các dịch vụ đầy đủ hơn với tiêu chuẩn cao hơn và đa dạng hơn. Trong tương lai, thị trấn Tam Hồng sẽ phát triển về mọi mặt, xứng đáng với tiềm năng lợi thế và vai trò cầu nối giao thông cửa ngõ của huyện trong tận dụng cơ hội phát triển.

Biển Lớn
Phiên bản di động