Việt Nam còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng về kinh tế di sản
Khám phá miền di sản ngoại đô Ứng Hoà |
Một lĩnh vực kinh tế đặc biệt
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, di sản thiên nhiên, văn hóa của Việt Nam đã và đang ngày càng chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng, là sự đa dạng văn hóa, là nguồn lực để tăng trưởng kinh tế, là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Do đó, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, cần chú trọng giá trị của di sản nói chung và phát triển kinh tế di sản nói riêng, đặc biệt giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với giá trị kinh tế của các di sản, đồng thời đưa ra chiến lược và chính sách phù hợp cho sự phát triển đó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bất kỳ di sản nào cũng đều có giá trị kinh tế, giá trị đó không thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà nó thường thể hiện ngầm ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác.
Xuất phát từ giá trị mang tính biểu tượng, để tạo ra giá trị mang tính kinh tế, các giá trị của di sản thiên nhiên và văn hóa phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác, rồi mới đưa ra thị trường.
Như vậy, có thể nhận diện kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên để phát triển kinh tế, vậy nên phải nhận thức nó trên phương diện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi ích kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. |
Hiện nay, Việt Nam có gần 40 nghìn di tích, trong đó có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia (107 di tích quốc gia đặc biệt); có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 433 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2023, Việt Nam có 194 bảo tàng, với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập. Nhà nước công nhận 237 hiện vật và nhóm hiện vật được là bảo vật quốc gia.
Trên phương diện kinh tế, các di sản văn hóa, đặc biệt di sản thế giới ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương.
"Các khu di sản văn hóa Việt Nam đang ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, chủ yếu nhờ vào việc khai thác tiềm năng du lịch, kết hợp với các hoạt động kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc từ các làng nghề, ẩm thực truyền thống", ông Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Người đứng đầu Bộ Công thương cũng đưa ra một số mô hình đã được triển khai thành công như: Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình - phát triển kinh tế di sản thông qua du lịch bền vững, phát triển du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa và thiên nhiên. Việc khai thác du lịch tại Tràng An đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và góp phần ổn định thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hay như Phố cổ Hội An - một mô hình thành công về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát triển kinh tế thông qua du lịch, điểm đến tham quan của các làng nghề thủ công truyền thống, từ làm đèn lồng, may mặc đến nghề làm gốm, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, tạo ra nguồn thu lớn từ các hoạt động du lịch và dịch vụ.
Cố đô Huế cũng là một mô hình đạt được thành công lớn trong phát triển kinh tế dựa trên di sản, các sự kiện như Festival Huế đã trở thành thương hiệu văn hóa lớn, thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho địa phương.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, những thành tựu về phát triển kinh tế di sản từ các mô hình nêu trên nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung chủ yếu thông qua một số loại hình sau: Phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình kinh tế dựa vào di sản thiên nhiên, văn hóa; phát triển kinh tế từ các hoạt động bảo tàng và nghệ thuật trình diễn và phát triển kinh tế từ hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, làng nghề mang tính truyền thống.
Sản phẩm gốm Chu Đậu. |
Sự gắn kết giữa các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng và thương mại, dịch vụ có tác dụng từng bước thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại các địa phương. Qua thời gian, sự phát triển lan tỏa của các làng nghề tiếp tục được mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động, tăng thêm thu nhập cho người dân, tác động tích cực đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thống kê cả nước ta hiện có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng hơn 2.000 làng nghề truyền thống với hàng trăm loại sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, the La Khê, đồng Ngũ Xá, gỗ Sơn Đồng, thêu Quất Động, đúc Phước Kiều, gốm sứ Bình Dương, Chu Ðậu, Phù Lãng; Gò Công; dệt Vạn Phúc; cơ khí Ý Yên; mây tre đan Củ Chi, Chương Mỹ; chạm bạc Ðồng Xâm, Ðại Bái; đá mỹ nghệ Non Nước... Các làng nghề đã thu hút hơn 3,69 triệu lao động với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm.
Nhiều sản phẩm làng nghề có tính nghệ thuật cao, thể hiện những sắc thái riêng, có giá trị minh chứng sự thịnh vượng của quốc gia, cũng như thể hiện những thành tựu, phát minh mà con người đạt được. Nhiều đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề đạt được danh hiệu cao quý từ những hội thi, cuộc bình chọn được tổ chức hàng năm tại các địa phương và trên cả nước.
Hiện nay, các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu đến 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng đến bảo tồn
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, sự giao thoa văn hóa, tác động của toàn cầu hóa và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để khai thác tiềm năng của di sản trong việc thúc đẩy kinh tế, mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng, nhưng kinh tế di sản Việt Nam cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức.
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. |
Thứ nhất, thách thức về sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, việc khai thác di sản để phục vụ và phát triển kinh tế có thể gây ra những tác động tiêu cực, làm biến dạng, hư hỏng hoặc suy giảm giá trị nguyên bản của các di sản, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có quá tải du lịch, làm tăng áp lực lên hạ tầng và môi trường, dẫn đến sự tổn hại, xuống cấp của các công trình di sản.
Ngoài ra, xu hướng thương mại hóa kinh tế di sản, tập trung vào việc kiếm lợi nhuận mà không chú trọng đến bảo tồn giá trị văn hóa sâu sắc, khiến các di sản bị biến đổi theo hướng không mong muốn.
Thứ hai, thiếu nguồn lực và kinh phí cho bảo tồn và phát triển di sản, mặc dù đã có những chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho việc bảo tồn di sản, nhưng nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, việc huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chưa được phát triển mạnh mẽ. Nhiều di sản vẫn chưa có mô hình quản lý hiệu quả để tạo ra nguồn thu ổn định phục vụ cho bảo tồn.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh tế di sản chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển.Mặc dù đã được đầu tư đáng kể những năm gần đây, nhưng chất lượng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế di sản nói riêng còn tương đối hạn chế, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đến các điểm di sản nhiều nơi chưa đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến.
Thứ tư, Việt Nam vẫn chưa khai thác tối đa sự liên kết giữa công nghiệp, thương mại và văn hóa để phát triển kinh tế di sản. Đầu tư cho công nghệ sản xuất, hoạt động quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu di sản, sản phẩm truyền thống chưa theo kịp nhu cầu phát triển.
Các sản phẩm truyền thống của các làng nghề của Việt Nam - một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của kinh tế di sản - đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, bởi sản phẩm của họ có giá thành rẻ hơn và mẫu mã đa dạng, khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói, xuất xứ nguồn gốc... trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa được tiêu chuẩn hóa, chất lượng và mẫu mã chưa ổn định, dẫn đến khó khăn trong việc thâm nhập thị trường quốc tế.
Hơn nữa, vấn đề thiếu thông tin, thiếu kỹ năng thương mại, chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh và không có đủ nguồn lực thiết lập các kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống gặp khó khăn trong việc hiện diện trên thị trường quốc tế, làm hạn chế khả năng tối ưu hóa giá trị kinh tế của di sản.
Thứ năm, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản.Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý, khai thác di sản chưa được đào tạo đầy đủ về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý, gây khó khăn trong việc phát triển các dự án bảo tồn và khai thác kinh tế từ di sản.
Thứ sáu, vấn đề quản lý, phân cấp quản lý và hợp tác giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ và còn nhiều bất cập.Mặc dù có hệ thống luật pháp và chính sách bảo vệ di sản khá đầy đủ, nhưng việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa, du lịch, và các tổ chức liên quan còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và sự không thống nhất trong quản lý di sản.
Cần có những "đường đi, nước bước" rõ ràng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để phát triển kinh tế di sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, thời gian tới cần triển khai thực hiện hiệu quả một số định hướng.
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Việc hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố then chốt để phát huy kinh tế di sản, cần xây dựng và ban hành những chính sách và quy định rõ ràng, hiệu quả hơn trong việc bảo tồn và phát triển di sản.
Thứ hai, cần có sự đầu tư hợp lý vào kết cấu hạ tầng tại các khu vực có di sản, đi đôi với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị di sản.
Hoàng thành Thăng Long là khu di tích lịch sử, di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. |
Trong đó, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu vực di sản, như giao thông, cơ sở dịch vụ lưu trú, và các tiện ích du lịch, có tính toán cẩn trọng để vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong nước và quốc tế, vừa không làm tổn hại đến cảnh quan và giá trị văn hóa của di sản; thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong các dự án bảo tồn di sản, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong việc đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ du lịch di sản.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản, trong đó tập trung vào đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý di sản ở các cấp độ, bao gồm cả kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa, quản lý du lịch và phát triển cộng đồng; hỗ trợ công tác nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp bảo tồn và phát triển di sản mới, sử dụng công nghệ hiện đại như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và công nghệ số để bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa; khuyến khích sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp giải pháp cho các vấn đề bảo tồn và phát triển di sản.
Thứ tư, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa và tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm gắn liền với di sản văn hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước để thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản: Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác để tiếp cận nguồn tài trợ và các chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản; học tập, tiếp thu và áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý và khai thác kinh tế di sản từ các quốc gia có nền tảng văn hóa phát triển. Nhật Bản và Trung Quốc là 2 quốc gia tiêu biểu trong hoạt động này; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, và quảng bá di sản văn hóa, đặc biệt là trong các chương trình trao đổi sinh viên, học giả, và các chuyên gia quốc tế.
Cuối cùng,tăng cường quản lý Nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan chức năng và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển di sản, gắn kết phát triển kinh tế di sản với việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng.
Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, với bề dày văn hóa và hệ thống di sản phong phú, Việt Nam đang có tiềm năng lớn để khai thác di sản văn hóa trong phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của kinh tế di sản càng trở nên quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa mà còn tạo ra các cơ hội lớn về du lịch, thương mại, và phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, cần có những đường đi, nước bước rõ ràng và đồng bộ, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế và quảng bá hiệu quả thương hiệu di sản văn hóa Việt Nam để tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.