Việt Nam có gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập vì Covid-19
Việt Nam chi hơn 15.000 tỷ đồng cho phòng, chống Covid-19 |
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam sáng 10/7.
Theo đó, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.
Cụ thể, lực lượng lao động quý II của các năm trong giai đoạn 2012 - 2019 liên tục tăng so với quý trước (trừ năm 2016, lực lượng lao động quý II giảm 43,5 nghìn người so với quý trước) và liên tục tăng so với cùng kỳ năm trước (trừ năm 2015, lực lượng lao động quý II giảm 7,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2014); trong khi đó, quý II/2020 đánh dấu sự sụt giảm lực lượng lao động lên tới hơn 2 triệu người - mức giảm chưa từng có trong thập kỷ vừa qua.
Lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm ở khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ giảm 4,4% so với quý trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam.
Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam.
Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi (giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước).
Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,8% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động nam ngoài độ tuổi thậm chí tăng nhẹ (tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước).
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm công hưởng lương giảm gần 1,2 triệu người so với quý trước; nhóm lao động yếu thế (lao động tự làm và lao động gia đình) giảm 1,1 triệu người so với quý trước.
Ngoài ra, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.