Viễn Thông Sơn La: “Núp bóng” xuất xứ hạn chế nhà thầu

Hàng chục gói thầu mua sắm máy phát điện tổ chức đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật hiện hành và Chỉ thị số 47 của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng loạt gói thầu tiền tỷ tại Viễn thông Sơn La có vi phạm Luật đấu thầu?
vien thong son la nup bong xuat xu han che nha thau
Viễn thông Sơn La đều yêu cầu xuất xứ Động cơ: Từ các nước thuộc G7; Đầu phát điện: Từ các nước thuộc G7.

Cụ thể, hàng chục gói thầu mua sắm máy phát điện tổ chức đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Trong các Hồ sơ yêu cầu (HSYC) được phát hành rộng rãi cho các nhà thầu, Viễn thông Sơn La đều yêu cầu xuất xứ Động cơ: Từ các nước thuộc G7; Đầu phát điện: Từ các nước thuộc G7.

Điều này hoàn toàn trái với quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đấu thầu cũng như Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

“Cài cắm” nhiều tiêu chí trái quy định pháp luật?

Điển hình Gói thầu “Mua sắm máy phát điện” Công trình “Xây dựng CSHT trạm BTS Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, năm 2017”. Gói thầu đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Giá gói thầu: 128.700.000 đồng. Nhà thầu trúng là Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI. Giá trúng thầu: 111.100.000 đồng (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) số 633/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/08/2018)

Trong Hồ sơ mời thầu (HSMT)/HSYC gói thầu trên, phần kĩ thuật tối thiểu, chủ đầu tư/Viễn thông Sơn La yêu cầu: Động cơ: Từ các nước thuộc G7; Đầu phát điện: Từ các nước thuộc G7.

Không chỉ nêu nhãn hiệu xuất xứ trong HSYC, chủ đầu tư Viễn thông Sơn La còn đưa ra các điều kiện như: Có giấy uỷ quyền bán hàng của nhà sản xuất (hoặc nhà lắp ráp thiết bị) cho dự án này; Yêu cầu, các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng tương tự: nhà thầu phải thực hiện tối thiểu 02 hợp đồng tương tự cho các đơn vị Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT mà nhà thầu đã hoàn thành với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) trong thời gian từ năm 2018 trở lại đây. (Kèm theo bản sao chứng thực Hoá đơn GTGT liên 1 và Biên bản nghiệm thu của hợp đồng).

Tại Khoản 1 Mục B Yêu cầu về kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá của Mẫu HSYC chào hàng cạnh tranh; Khoản 1 Điều 4 – Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập HSYC đối với chào hàng cạnh tranh; Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: HSMT/HSYC không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử. Đồng thời, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể… hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu…

Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng hàng hóa trong nước, về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong HSMT, HSYC khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước trong trường hợp doanh nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất và đáp ứng yêu cầu.

Tương tự, ở một loạt các Gói thầu mua sắm máy phát điện tổ chức đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Trong HSYC, Viễn thông Sơn La đều yêu cầu xuất xứ Động cơ: Từ các nước thuộc G7; Đầu phát điện: Từ các nước thuộc G7. Đồng thời yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm nhà thầu phải thực hiện 02 hợp đồng tương tự cho các đơn vị Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT mà nhà thầu đã hoàn thành.

Đó là các Gói thầu: “Mua sắm máy phát điện” cho 10 công trình Xây dựng CSHT trạm BTS chiếm lĩnh đỉnh cao của Viễn Thông Sơn La. Nhà thầu trúng: Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI. Giá trúng thầu phê duyệt: 1.089.000.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT số 881/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/10/2018); Gói thầu số 6 “Mua sắm máy phát điện” cho 21 công trình xây dựng CSHT trạm BTS của Viễn thông Sơn La năm 2019. Nhà thầu trúng: Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI. Giá trúng thầu phê duyệt: 2.286.900.000 đồng (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 882/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/10/2018);

Gói thầu “Mua sắm máy phát điện” cho 15 công trình Xây dựng CSHT trạm BTS trên địa bàn tỉnh Sơn La đợt 1/2019. Nhà thầu trúng: Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI. Giá trúng thầu phê duyệt: 1.153.350.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT số 808/QĐ-VNPT- SL-KTĐT ngày 04/11/2019).

Cần nhắc lại rằng, đây đều là các gói thầu mua sắm hàng hoá mặt hàng máy phát điện thông dụng. Theo một chuyên gia đấu thầu, việc lập HSMT/HSYC phải tuân thủ quy định và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư. Tình trạng các HSMT, HSYC chào hàng cạnh tranh có các yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa là biểu hiện rõ nét của cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu. Nếu tình trạng này kéo dài, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bị bào mòn bởi lợi ích nhóm.

Quy định luật và các văn bản hướng dẫn đã khá rõ, song Viễn thông Sơn La vẫn cố tình cài cắm các điều kiện trong HSYC. Dư luận đặt câu hỏi chủ đầu tư có nhằm gây khó khăn cho nhà thầu hoặc tạo điều kiện cho một hoặc một nhóm nhà thầu “ruột” hay không?. Một điểm đáng chú ý, các gói thầu trên, nhà thầu trúng đều rơi vào Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI.

Hàng loạt gói thầu “rơi vào tay” một nhà thầu

vien thong son la nup bong xuat xu han che nha thau
Viễn Thông Sơn La: “Núp bóng” xuất xứ hạn chế nhà thầu

Có thể kể ra rất nhiều các gói thầu mua sắm máy phát điện của Viễn Thông Sơn La, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI trúng thầu. Đó là các Gói thầu:

Gói thầu: “Mua sắm máy phát điện” thuộc công trình: “Xây dựng CSHT trạm BTS Chiềng Khoang 2, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La năm 2017”. Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 111.100.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT Số: 629/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/8/2018).

Gói thầu “Mua sắm máy phát điện” thuộc công trình: “Xây dựng CSHT trạm BTS Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La năm 2017”. Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 111.100.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT Số: 630/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/8/2018).

Gói thầu: “Mua sắm máy phát điện” thuộc công trình: “Xây dựng CSHT trạm BTS Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La năm 2017”. Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 111.100.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT Số: 631/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/8/2018).

Gói thầu: “Mua sắm máy phát điện” thuộc công trình: “Xây dựng CSHT trạm BTS Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La năm 2017”. Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 111.100.000 đồng (QĐ phê duyệt KQLCNT Số: 632/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/8/2018).

Các gói thầu mua sắm máy phát điện trên tổ chức đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Đồng thời trong HSYC, Viễn thông Sơn La đều yêu cầu xuất xứ Động cơ: Từ các nước thuộc G7; Đầu phát điện: Từ các nước thuộc G7. Đồng thời yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm nhà thầu phải thực hiện 02 hợp đồng tương tự cho các đơn vị Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT mà nhà thầu đã hoàn thành.

Điểm đáng lưu ý: Hầu hết các gói thầu đều được “phân chia” cùng một dự toán 128.700.000 VND. Ở tất cả các gói thầu trên đều cùng thời điểm đóng thầu và mở thầu cùng một thời điểm 11h ngày 23/08/2018. Dư luận có cơ sở đặt ra khả năng phải chăng có hiện tượng chia nhỏ dự toán hay không khi các gói thầu đều là mặt hàng máy phát điện để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu có lợi cho một nhà thầu nào đó.

Theo điểm a Khoản 3 Điều 6 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định: Việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu. Ngoài ra điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định, phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu 2013 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Khoản 6, Điều 89 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13: Các hành vi cấm trong đấu thầu:

Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

PV
Phiên bản di động