Vì sao trào lưu “flex” khiến giới trẻ "sốt" rần rần?

Một từ xuất phát từ văn hóa hiphop, một từ lại đến từ bóng đá nhưng cả hai đều đang được người trẻ, cư dân mạng chia sẻ rầm rộ. Nhiều gen Z tỏ ra thích thú và nhiệt tình hưởng ứng.
Giới trẻ thích thú chụp ảnh trước nhà gương 3D khổng lồ Dân mạng "rần rần" với những trào lưu từ bán bánh mì đến hóa mèo con

"Flex đến hơi thở cuối cùng"

Hiểu đơn giản, “flex” trong hiphop là khoe khoang. Theo đó, flex là một hành động của con người thể hiện sự khoe khoang về vật chất, thành tựu của bản thân. Tuy nhiên hiện tại, flex được sử dụng rất phổ biến ngoài phạm vi rap-hiphop như: flex nhà cửa, flex học tập, flex body,…

Thời gian gần đây trào lưu này đang rầm rộ trở lại, không khó để bạn tìm kiếm và bắt gặp từ khóa này trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Instagram, Facebook,…Nếu flex thường xuyên và dày đặc sẽ khiến cho người khác cảm thấy khó chịu nhưng khi vào tay của GenZ thì cái gì cũng trở nên dễ dàng và hài hước hơn.

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã chạm mốc cả triệu thành viên
Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã chạm mốc cả triệu thành viên

Mới đây nhất, để thỏa mãn đam mê "flex" của giới trẻ, nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" ra đời. Chỉ thành lập cách đây vài tháng nhưng lượng thành viên tăng nhanh khủng khiếp, hiện tại đang nằm ở con số 1,1 triệu thành viên và vẫn tiếp tục tăng.

Dù từ "flex" đã được sử dụng từ lâu, chủ yếu để châm biếm, mỉa mai những người hay khoe khoang quá độ khiến người khác khó chịu nhưng với sự sáng tạo của thế hệ trẻ, "flex" đã được "biến tấu" theo phong cách mới mẻ. Tuy vẫn giữ nguyên bản chất "khoe khoang", nhưng phần lớn những bài viết trong "Flex đến hơi thở cuối cùng" đều mang tính tích cực, hài hước.

Ca sĩ Hoàng Dũng gia nhập trào lưu mới với 4 đêm concert cá nhân cùng nhiều thành tích nghệ thuật nổi bật
Ca sĩ Hoàng Dũng gia nhập trào lưu mới với 4 đêm concert cá nhân cùng nhiều thành tích nghệ thuật nổi bật

Đặc biệt, khi vào tay giới trẻ, "flex" trở thành công cụ vẽ nên bức tranh mạng xã hội đa màu sắc, hấp dẫn. Người người thi nhau "flex" đủ chuyện: Từ thành tích học tập và làm việc đáng nể, các bộ sưu tập "không đụng hàng" cho đến các màn "flexing" độc đáo về thể lực, gia cảnh, những tình huống, trải nghiệm hiếm gặp... Có bài đăng hài hước, có bài khiến người đọc kinh ngạc, thán phục trước tài năng của chủ nhân và cũng không ít bài chứa đựng thông điệp đáng suy ngẫm. Các hội, nhóm nở rộ mà đáng chú ý nhất là nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" với cả triệu thành viên và vẫn tiếp tục lớn mạnh với tốc độ chóng mặt.

Một chiến sĩ Phòng cháy, chữa cháy khoe “chiến công” và nhận được nhiều sự ủng hộ từ cư dân mạng
Một chiến sĩ Phòng cháy, chữa cháy khoe “chiến công” và nhận được nhiều sự ủng hộ từ cư dân mạng

Đa số bạn trẻ tuy chưa có gì để "flex" thì vẫn đọc để giải trí hoặc tìm kiếm những nguồn cảm hứng tích cực, mới mẻ. Nhiều người nổi tiếng như: Hoa hậu Lương Thùy Linh, ca sĩ Hoàng Dũng, MC Khánh Vy, diễn viên Diễm My 9x... cũng không thể đứng ngoài trào lưu này. Chia sẻ của họ về hoạt động nghệ thuật, những "bật mí" ngộ nghĩnh...thu hút từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn tương tác.

Đừng để “Flex” trở thành áp lực đồng trang lứa

Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ThS. Nguyễn Hoàng Oanh, Giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận xét: "Nhìn chung, người trẻ "flex" để thể hiện những thành tích, năng lực của bản thân như một cách đáp trả tinh tế những bình luận có ý định công kích cá nhân.

Xét về mặt tích cực, trào lưu này tạo ra sự thú vị vì cộng đồng mạng lần lượt chứng tỏ bản thân "không phải dạng vừa" khi sở hữu những thành tích đáng ngưỡng mộ. Ngoài ra, đây cũng là một cách nhắc nhở "thân thiện" một số anh hùng bàn phím có thói quen đánh giá, chê bai người khác khi chưa thật sự hiểu rõ về họ".

ThS. Nguyễn Hoàng Oanh
ThS. Nguyễn Hoàng Oanh

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Hoàng Oanh cũng thẳng thắn chỉ ra: "Mặt trái của trào lưu này phần nào khiến gia tăng cảm giác áp lực đồng trang lứa (peer pressure).

Nếu ngày xưa áp lực này đến từ việc so sánh với bạn bè trong cùng lớp, cùng trường, những đứa trẻ hàng xóm hoặc "con nhà người ta" qua lời kể của người lớn, thì hiện nay người trẻ sẽ đối mặt với việc so sánh với 1 cộng đồng rất lớn trên mạng xã hội.

Một mặt, áp lực này có thể chuyển thành động lực để người trẻ phấn đấu cải thiện bản thân nhưng cũng có thể gây cảm giác tủi thân, nản chí khi "nhìn đâu cũng thấy người giỏi hơn mình".

Vì vậy, hơn ai hết, chính mỗi người cần trang bị những bộ lọc và ranh giới phù hợp khi tham gia mạng xã hội nói chung hoặc quan sát, theo dõi trào lưu "flexing". Nếu dần trở nên tiêu cực hoặc mất niềm tin vào chính mình, hãy cân nhắc ẩn những bài đăng có nội dung tương tự để "cách ly" với trào lưu này.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động