Vì sao Indonesia cấm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội?
Trong những tháng gần đây, yêu cầu quy định quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử đã tăng lên tại Indonesia, trong đó những người bán hàng cho biết sinh kế của họ bị đe dọa bởi việc bán các sản phẩm rẻ hơn trên TikTok Shop và các nền tảng mạng xã hội khác.
Indonesia là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của TikTok Shop và là thị trường đầu tiên thử nghiệm nhánh thương mại điện tử của ứng dụng này.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan cho biết quy định thương mại sẽ có hiệu lực vào thứ Ba tới.
Ông Hasan cho biết các nền tảng thương mại xã hội sẽ có một tuần để tuân thủ quy định mới.
“Giờ đây thương mại điện tử không thể là mạng xã hội. Chúng phải tách rời. Bất kỳ Chính phủ nào cũng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ địa phương” ông chia sẻ, đồng thời mô tả quy định này như một cách để đảm bảo “sự bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh”.
Indonesia cấm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội từ tuần tới (Ảnh: Reuters) |
Quy định này có nghĩa là các công ty thương mại xã hội sẽ “bị cấm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán trong hệ thống điện tử của mình. Mạng xã hội có thể đặt quảng cáo như trên TV, nhưng không được phép thực hiện giao dịch.
Các công ty không tuân thủ trước hết sẽ bị cảnh cáo và cuối cùng là có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh tại đảo quốc này.
Thị trường thương mại điện tử Indonesia đã từng bị thống trị bởi các nền tảng như Tokopedia, Shopee và Lazada nhưng TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 2021.
Cô Stevanie Ahua, một tiểu thương buồn quần jean ở Jakarta, hoan nghênh quyết định của chính phủ. Cô cho biết doanh thu của cô đã giảm 60% trong những tháng gần đây khi người mua chuyển sang các cửa hàng trực tuyến.
Trái ngược, thợ làm bánh quy Panji Made Agung ở Bali cho biết anh thất vọng vì lệnh cấm. TikTok đã giúp anh bán được hàng và có thể gia tăng danh tiếng bằng cách trở thành người có độ ảnh hưởng trên mạng xã hội.