Vì sao đánh thuế VAT 5% với phân bón?
Sản phẩm phân bón do Công ty Âu Việt sản xuất vi phạm về nhãn hàng hóa Sản phẩm phân bón của Công ty Việt Na Uy bị phát hiện không đạt chất lượng |
Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận việc dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với thuế suất 5%, thay vì không phải chịu thuế như quy định hiện hành.
Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, các đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) và đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đều cho rằng, tại dự thảo luật lần này, quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón cần được cân nhắc vì có thể làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân.
Ảnh minh họa. |
Theo các đại biểu, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.
Nhiều nước đã thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau với nhiều thách thức khác nhau. Trên thế giới hiện nay có không ít nước như Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan không thu thuế VAT, thuế bán hàng đối với phân bón.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu cũng nêu rõ, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan...
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng là luật liên quan khoản thu lớn của ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng trong xã hội, đến nhiều điều ước quốc tế.
Do đó, cần phải giữ được nguyên tắc trung lập, khách quan, để đảm bảo nền tảng tài chính thực sự vững mạnh. Cụ thể về quy định thuế VAT 5% với phân bón, đại biểu đề nghị phải đưa ra được các quan điểm từ nhiều góc độ, nhiều chiều, để người dân có được cái nhìn toàn diện, khách quan.
Đề cập đến các ý kiến lo ngại về giá phân bón, đại biểu nêu rõ giá phân bón tăng thời gian qua không phải do tăng thuế, mà là do chi phí đầu vào, vật tư và nhiều yếu tố khác. Nếu lấy việc quy định thuế 5% để suy ra giá phân bón sẽ tăng rất nhiều thì chưa chính xác.
Ngược lại, nếu áp dụng quy định này, doanh nghiệp khi được khấu trừ 5% thì có thể có điều kiện đầu tư mở rộng, từ đó đưa giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, người dân cũng được hưởng lợi. Hơn nữa, để hỗ trợ cho người dân có nhiều phương án khác nhau chứ không chỉ giảm thuế.
Đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình với ý kiến đề nghị áp dụng thuế VAT 0% với phân bón, bởi quy định này chỉ áp dụng với hàng xuất khẩu, không thể phá vỡ nguyên tắc này.
Trước các ý kiến khác nhau về việc đưa mặt hàng hóa phân bón vào diện chịu thuế 5%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế là cả một quá trình được đánh giá và cân nhắc qua thực tiễn.
“Khi sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng từ năm 2008 cho đến năm 2013-2014, chúng ta đã từng đưa thuế vào rồi lại bỏ thuế ra đối với phân bón, bây giờ lại đưa vào là vì hiện nay sản lượng của phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức là khoảng 4 triệu tấn/năm, chúng tôi quy định như thế này đối với doanh nghiệp là không đảm bảo sự mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu”, ông Hồ Đức Phớc phân tích.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc hoàn thuế sẽ tạo một nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững.
Bộ trưởng cho biết, thực tiễn cho thấy, giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng không hẳn trừ thuế mà giá thành hạ mà thị trường còn bị tác động bởi yếu tố cung - cầu, nếu như nguồn cung tăng lên thì giá thành sẽ hạ, nguồn cung thấp thì giá thành sẽ cao.