"Về bản Miền" - gắn du lịch với văn hoá dân tộc thiểu số Ba Vì
“5 ngày vàng” của Du lịch Hà Nội Mời gọi du khách đến với du lịch Thủ đô Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 |
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu công bố Điểm du lịch cộng đồng bản Miền. Ảnh: Hoàng Quyên |
Hưởng ứng Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024, hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 26/4, Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự sự kiện.
Đây là dự án góp phần thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch của Sở Du lịch Hà Nội về triển khai xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”, được xây dựng tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vi nơi có trên 98% là đồng bào người Dao quần chẹt sinh sống với nghề làm thuốc Nam truyền thống.
Các đại biểu tham quan điểm du lịch. Ảnh: Hoàng Quyên |
Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sản phẩm góp phần tạo mô hình điểm về du lịch cộng đồng, từng bước đưa huyện Ba Vì trở thành trọng điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng khả năng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Du khách trải nghiệm ngâm chân bằng lá thuốc. Ảnh: Hoàng Quyên |
Theo bà Đặng Hương Giang, mô hình du lịch cộng đồng bản Miền đến nay đã cơ bản được hình thành trên cơ sở thống nhất và đồng thuận của người dân.
Để mô hình có sức lan tỏa đến các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư thôn Hợp Sơn tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.
Tham quan các cơ sở làm thuốc của người Dao. Ảnh: Hoàng Quyên |
Tại lễ công bố, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đánh giá, điểm du lịch cộng đồng bản Miền góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Ba Vì nói riêng, Hà Nội nói chung.
Ông Đỗ Mạnh Hưng đề nghị các cơ quan, đơn vị lữ hành liên kết chặt chẽ với địa phương để góp phần tuyên truyền, đưa du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm…
Bản Miền có 98% là người Dao, số đông hộ gia đình làm nghề thuốc Nam gia truyền. Ảnh: Hoàng Quyên |
Chia sẻ về quá trình xây dựng Điểm du lịch cộng đồng bản Miền, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết, mặc dù gặp không ít khó khăn do nếp sống cộng đồng người Dao đã có nhiều thay đổi, không còn kiến trúc truyền thống nhưng nơi đây lại có dược phẩm quý.
Đây là điểm nhấn cốt lõi để xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với nghề làm thuốc Nam, phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật cùng người Dao. Ảnh: Hoàng Quyên |
Đến với Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, du khách không chỉ được tham quan một điểm đến mới, mà còn được trải nghiệm hành trình chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa của người Dao quần chẹt.
Ngoài ra, khách du lịch sẽ được tham gia các hoạt động, như: Đạp xe dạo quanh bản Miền; tham quan vườn thuốc Nam của người Dao quần chẹt ở Ba Vì, cùng nghe các lương y kể về công dụng của từng cây thuốc Nam; tìm hiểu quy trình hái thuốc, sơ chế, làm thuốc Nam; mua giống cây thảo dược, cây thuốc Nam về trồng tại nhà...
Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các bài thuốc truyền thống từ thảo dược của người Dao quần chẹt ở Ba Vì; trải nghiệm văn hóa ẩm thực; thưởng thức chương trình văn nghệ với show diễn thực cảnh, mô phỏng các lễ tục cổ của đồng bào Dao quần chẹt như Lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc, lễ Tết nhảy, trích đoạn đám cưới người Dao…