Văn hóa là thế mạnh đặc biệt nhất của du lịch Việt Nam
Hà Nội tăng cường liên kết các di sản để phát triển du lịch Khởi động Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” Hà Nội có 1 đơn vị du lịch đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023 |
Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức sáng nay (14/4) tại Hà Nội.
Tiềm năng to lớn từ di sản văn hóa
Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc. Theo Cục Di sản Văn hóa, hiện Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, trong đó có 8 di sản thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và một số di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Cả nước còn có 3.560 di vật được xếp hạng quốc gia và 215 bảo vật quốc gia. Đó là một gia tài quý giá được tạo dựng qua nhiều thế kỷ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Travelogy khẳng định, các sản phẩm du lịch văn hóa của nước ta thời gian qua là sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch của nước nhà. Các doanh nghiệp du lịch đã biết khai thác và phát huy hiệu quả nhiều giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.
Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Travelogy |
“Có thể nói, thành công trong tăng trưởng và phát triển ngành du lịch trong ba mươi năm qua có sự đóng góp to lớn của các sản phẩm du lịch văn hóa” – ông Tuyên nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup chia sẻ, văn hóa là thế mạnh đặc biệt nhất của du lịch Việt Nam. “100% khách Tây của chúng tôi đều nói rằng, họ rất thích thú với văn hóa Việt Nam. Ở mỗi chuyến đi, sau tất cả, điều đọng lại trong mỗi du khách phải là câu chuyện gì. Do đó, để du khách chạm được vào văn hóa Việt Nam thì phải gắn kết di sản với du lịch”- ông Hà nói.
Ông Phạm Hà cũng đã chia sẻ câu chuyện đưa di sản vào du lịch của LuxGroup bằng du thuyền Bình Chuẩn: Du thuyền Bình Chuẩn đã kể câu chuyện văn hóa của Việt Nam, làm sống dậy quá khứ và đặc biệt tôn vinh những giá trị lịch sử, di sản, văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực…Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Nhiều du khách thực sự ấn tượng với đêm diễn Heritage by night (Chạm vào di sản) vì các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã đưa họ trở lại với các giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Với sân khấu thực cảnh được đầu tư dàn dựng dành riêng cho du thuyền Bình Chuẩn, hình ảnh không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, hiền hòa nhưng cũng rất xôn xao, náo nhiệt đã được tái hiện trọn vẹn qua các phân đoạn "Chợ quê", "Ngày mùa" và "Hội làng".
“Thậm chí, chúng tôi đưa cả võ cổ truyền VOVINAM vào tour du lịch. Dấu ấn Việt trở thành ấn tượng khó phải đối với những ai đến với Bình Chuẩn. Kể những câu chuyện văn hóa về lịch sử - đó là cách làm khác biệt, để chúng đưa du khách “chạm” được vào di sản” – CEO này chia sẻ thêm.
Du lịch Việt thiếu yếu tố “nghe - nhìn”
Bày tỏ quan điểm thực trạng du lịch văn hóa hiện nay, đa số các chuyên gia đều cho rằng, ngành du lịch chưa khai thác hết tiềm năng từ văn hóa. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chia sẻ quan điểm, các sản phẩm du lịch hiện nay chưa thực sự độc đáo, thiếu đi yếu tố “nghe – nhìn”. Chúng ta có rất ít những sản phẩm du lịch thực cảnh độc đáo như Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, Áo dài… Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vốn đã thay đổi nhiều so với trước đây.
Show thực cảnh Ký ức Hội An được coi là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch |
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh yếu tố giáo dục về lịch sử, văn hóa Việt Nam trong các sản phẩm du lịch: “Khách du lịch trong nước hiểu gì về lịch sử Việt Nam? Chúng ta cũng cần phải có chương trình quảng bá, phù hợp với cách tuyên truyền, đối tượng, để lan tỏa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”.
Bà Lê Thu Trang, Giám đốc khối quản lý điểm đến SGO DMC, Công ty SGO Travel chia sẻ, chúng ta có vô vàn chất liệu văn hóa. “Lễ hội, con đường, chiếc nón, làn điệu dân ca… đều mang trên mình câu chuyện văn hóa. Làm sao phải kể ra câu chuyện văn hóa của từng điểm đến; Kết nối giữa các điểm đến với nhau và phải mang trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật biểu diễn trong từng sản phẩm du lịch. Các công ty du lịch hướng đến thị trường nội địa càng cần phải coi trọng kể câu chuyện văn hóa cho du khách” – bà Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, bà Trang cho biết, SGO Travel cũng đã thành công với các tour du lịch: Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trải nghiệm văn hóa làng nghề, miệt vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang)… bằng phương châm trên.
Tour "Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông" mang lại nhiều trải nghiệm khó quên đối với du khách |
Cần đầu tư cho nguồn nhân lực
Thời gian qua, du lịch Việt Nam cũng liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á" và là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. Có thể thấy, tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để đạt được mục tiêu năm 2024, Việt Nam có thị trường du lịch văn hóa, ngoài việc cần xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch gắn với di sản, yếu tố quan trọng là con người.
“Cần có chiến lược đào tạo thêm cho hướng dẫn viên du lịch, đại diện công ty du lịch về di sản. Hiện tại, nhiều hướng dẫn viên chỉ đưa thông tin chung chung, chứ thậm chí không biết Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đôi khi, hướng dẫn viên còn phải biết về Hán Nôm, về di sản vật thể, phi vật thể và cả về phong tục, tập quán của quê hương khách để có ứng xử phù hợp, tạo thiện cảm cho du khách, khiến họ muốn quay trở lại…” – ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.