Hà Nội tăng cường liên kết các di sản để phát triển du lịch
Mới đây, tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội ra mắt đã tạo được hiệu ứng tốt cho khách du lịch. Hành trình này bắt đầu khởi hành từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tiến về Khu di tích Cổ Loa. Tại đây, du khách được tham quan nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa; đình Ngự triều Di quy – xưa là nơi thiết triều bàn chính sự của triều đình thời bấy giờ; đền Cổ Loa – nơi thờ An Dương Vương; Am bà Chúa – nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Ngoài ra, trên hành trình này, du khách còn tham quan thành Cổ Loa, trải nghiệm làm mũi tên đất và thưởng thức đặc sản bún Mạch Tràng…
Du khách trải nghiệm tour tham quan hành trình từ Hoàng Thành Thăng Long về Bát Tràng |
Đây là một trong những sản phẩm mới tiêu biểu cho việc liên kết di sản để phát triển du lịch của thành phố Hà Nội. Anh Nguyễn Hoàng, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, vốn thích tìm hiểu về lịch sử, nên khi trải nghiệm tour du lịch này, anh cảm thấy rất thú vị.
“Tôi thấy ấn tượng vì hành trình trải nghiệm ngắn nhưng được tìm hiểu về di sản Cổ Loa, được trải nghiệm văn hóa ở vùng đất cổ này, từ đó hiểu hơn kinh thành Thăng Long xưa. Điều này không chỉ giúp cho du lịch phát triển, mà còn góp phần làm sống dậy những di sản của Hà Nội” – anh Hoàng nhận xét.
Khách du lịch trải nghiệm tour "Tìm về kinh đô người Việt cổ" |
Cùng với tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ”, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tour kết nối di sản Hoàng Thành Thăng Long - Chùa Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử có tên “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng”. Đây là một tour trải nghiệm văn hóa hết sức thú vị với những câu chuyện về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông- người đã khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm- một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam hòa nhập Đạo với Đời, mang tính nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, một tour du lịch khác cũng được nhiều người chú ý trong đợt này là tour Hoàng thành Thăng Long-Bát Tràng. Sau khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, khách sẽ được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội, tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Việc kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực..
Du khách tham quan Hoàng Thành Thăng Long |
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, những tour du lịch mới kết nối di sản sẽ tạo được điểm nhấn trong công tác xúc tiến du lịch nhằm phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội trong năm 2023.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch Thủ đô là hướng đi đúng đắn. Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh của di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch, mà còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa.
Tuy vậy, để phát triển hơn nữa, tạo thuận lợi cho du khách và mang tính liên kết, Hà Nội cũng cần xem xét việc kết nối Hoàng Thành Thăng Long với các di tích khác như Văn Miếu; với sông Hồng, sông Tô Lịch, kết nối với Thăng Long Tứ Trấn, Hồ Gươm…