Vải thiều Lục Ngạn có mặt tại Liên minh châu Âu
- Xin chào ông, ông có thể cho biết đến thời điểm này vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ thế nào, đã xuất khẩu tới bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới?
Xuất khẩu vải thiều sang thị trường EU là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với tỉnh Bắc Giang |
- Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, vải thiều Lục Ngạn đang được tiêu thụ thuận lợi với giá không hề thấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh thành trên cả nước, thì Lục Ngạn vẫn giữ vững được vùng vải thiều sạch, an toàn, không dịch bệnh Covid-19.
Tính đến ngày 15/6, Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ 51.399,88 tấn vải thiều, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải thiều năm nay (số liệu dự báo sản lượng năm nay vào khoảng 120 nghìn tấn).
Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt xấp xỉ 27.699 tấn (chiếm 53,9%); xuất khẩu đạt 23.700 tấn (chiếm 46,1%).
Một tín hiệu đáng mừng là khối lượng xuất khẩu tăng lên và thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn năm trước, bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới. Đây cũng là tiền đề để Lục Ngạn phấn đấu mở rộng và nâng cao chất lượng quả vải thiều phục vụ xuất khẩu và phục vụ nhu cầu sử dụng vải thiều chất lượng cao ngày càng gia tăng trong nước.
Về thị trường xuất khẩu, ngoài các thị đường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia.... Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên chính thức được bảo hộ địa lý tại Nhật Bản. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều Việt Nam ra nhiều thị trường khác trong đó có EU.
Ngoài việc vải thiều Lục Ngạn chính thức được bảo hộ địa lý tại Nhật Bản, thì việc vải thiều Lục Ngạn tiếp tục được duy trì và mở rộng tại thị trường EU là thông tin rất tích cực, khích lệ người dân Lục Ngạn tiếp tục nâng cao chất lượng quả vải thiều phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng... Quy hoạch đến năm 2030 sẽ có 41 vùng sản xuất vải thiều tập trung, với diện tích 21.219 ha. Trong đó, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP. (Số liệu từ UBND tỉnh Bắc Giang) |
Về thị trường trong nước, chúng tôi xác định đây vẫn là thị trường tiêu thụ chính của vải thiều Lục Ngạn, vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ vải thiều chất lượng cao trong nước tăng mạnh. Điều này là động lực cho Lục Ngạn nhanh chóng mở rộng các vùng trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tiếp nối thành công của chiến dịch xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều năm 2020, ngoài các kênh bán hàng truyền thống như các năm trước tại các chợ đầu mối các tỉnh, thành cả nước, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, ... năm nay lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được giao dịch trên 6 sàn thương mại điện tử.
Từ ngày 6/6/2021 hàng loạt các sàn giao dịch điện tử như Sendo (FPT), voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) đã mở cửa giao dịch vải thiều Lục Ngạn. Tổng khối lượng được giao dịch thành công trên các sàn giao dịch điện tử tuy mới chỉ đạt 1.370 tấn, chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng khối lượng vải thiều Lục Ngạn đã tiêu thụ. Tuy nhiên, đây là kênh tiêu thụ cực kỳ tiềm năng đang được chúng tôi tập trung khai thác.
- Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm bắt đầu vào vụ thu hoạch, ông có thể cho biết, huyện Lục Ngạn đã xử lý tình huống này như thế nào để đảm bảo tiêu thụ thuận lợi vải thiều cho bà con nông dân?
Nhu cầu tiêu thụ vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong nước ngày một gia tăng |
- Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu vụ sản xuất Ban Thường vụ Huyện uỷ Lục Ngạn đã chỉ đạo UBND huyện đặc biệt quan tâm đến công tác sản xuất vải thiều; xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các nước EU, xác định đây là thị trường cao cấp và tiềm năng.
UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với xuất khẩu vải thiều; kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn đảm bảo an toàn với dịch bệnh, xây dựng và lập 7 chốt bảo vệ của huyện, 91 chốt của xã, thị trấn; 300 chốt tại các thôn, tổ dân phố. Kết quả đến nay trên địa bàn huyện Lục Ngạn ổn định, an toàn với dịch bệnh, tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ từ UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, cử cán bộ, chuyên gia theo dõi, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, phối hợp tham gia vào quá trình thu mua, sơ chế đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng.
- Ông đánh giá thế nào về việc vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang thị trường EU? Để xuất khẩu được vải thiều vào thị trường này, huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị những điều kiện gì?
Cải tiến công nghệ, ứng dụng những phương thức sản xuất tiến bộ nhất, đó là việc tỉnh Bắc Giang đang thực hiện nhằm tăng sản lượng và nâng cao chất lượng quả vải thiều |
- Đây không phải là năm đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất sang các nước EU, những năm trước vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang các thị trường: Pháp, Hà Lan, Anh, Hy Lạp, … và một số thị trường cao cấp khác như Mỹ, Australlia, Nhật Bản.
Thị trường EU được đánh giá là thị trường cao cấp và rộng lớn, nếu vải thiều vào được thị trường này và được người tiêu dùng đón nhận thì đó là cơ hội lớn, đồng thời cũng mang lại thách thức không nhỏ cho người nông dân.
Để xuất khẩu khẩu được sang thị trường EU, chính quyền và người dân trồng vải Lục Ngạn, với sự đồng hành của các nhà khoa học, các đơn vị xuất khẩu, tìm ra giải pháp cải tiến công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học mới nhất trong sản xuất, để tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, mẫu mã sản phẩm phải ứng được các yêu cầu khắt khe khi xuất khẩu vào thị trường này.
Một việc không kém phần quan trọng là chúng tôi giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ luật pháp của các nước, các vùng lãnh thổ (trong đó có EU) đã và chuẩn bị xuất khẩu quả vải thiều sang đó, tránh những rủi ro cho người nông dân trồng vải và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vải thiều.
- Trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông sức khoẻ; chúc chính quyền và Nhân dân huyện Lục Ngạn có thêm một mùa vải thiều bội thu.