Lục Ngạn - Bắc Giang: Vải thiều “mắc màn” có giá lên tới 40.000 đồng/kg

Mô hình nhà màng được người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của quả vải thiều, giúp cho quả vải không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn hạn chế được việc bị xâm lấn bởi côn trùng, động vật có hại.
Lục Ngạn - Bắc Giang: Mùa vải chín Lục Ngạn - Bắc Giang: Ở đâu có việc khó, ở đó có Đoàn Thanh niên Hơn 40% sản lượng vải chín sớm của Lục Ngạn được xuất khẩu

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã và đang trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, đã có những lô vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, Úc…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm vải thiều, chính quyền địa phương và người trồng vải tại huyện Lục Ngạn đã triển khai nhiều mô hình chăm sóc vải thiều, trong đó có việc “mắc màn” cho cây vải.

Năm nay, gia đình anh Vũ Nguyên Bình - người trồng vải thiều tại thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn bắt đầu thực hiện áp dụng mô hình nhà màng cho 40 cây vải thiều, trên diện tích đất 1.000 mét vuông.

“Chi phí “mắc màn” cho 1.000m2 là khoảng 70 triệu đồng. Tôi ước tính với 40 cây vải được trồng trong nhà màng năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng 4 tấn vải. Mô hình này không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật mà còn giúp có được sản phẩm vải “sạch” đảm bảo chất lượng với giá thành cao hơn nhiều so với vải thông thường” - anh Bình chia sẻ.

Anh Bình cũng cho biết thêm, năm nay mặc dù mới là năm đầu tiên gia đình anh áp dụng mô hình nhà màng vào việc chăm sóc cây vải nhưng đã có nhiều đơn đặt hàng thu mua với mức giá từ 35.000-40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, nhằm đáp ứng thị trường về sản phẩm sạch và đặc biệt là khẳng định thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ và cùng người dân tìm hiểu, áp dụng nhiều mô hình chăm sóc cây vải thiều.

“Mô hình nhà màng sẽ giúp cho cây vải tránh được những loại côn trùng gây hại cho cây, đặc biệt là sâu đục cuống quả. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp cho người dân có được sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc” - ông Thi nói.

Ông Nguyễn Thế Thi cũng nhận định, đây là mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao. Giá vải thiều được trồng trong nhà màng có thể cao hơn gấp đôi, thậm chí là gấp ba quả vải thông thường. Ngoài việc trồng vải thiều, mô hình này có thể giúp người dân xen canh một số loại cây dược liệu hoặc nuôi ong lấy mật “sạch”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, nhằm nhân rộng mô hình và hướng tới sản phẩm sạch, khẳng định thương hiệu quả vải thiều Lục Ngạn, huyện sẽ hỗ trợ người dân các chi phí để chuyển đổi mô hình. Với mô hình nhà màng này, huyện Lục Ngạn sẵn sàng hỗ trợ 70% chi phí cho người dân chuyển đổi.

Việc áp ụng nhà màng nếu bảo vệ tốt, với một lần đầu tư, các nhà vườn có thể khai thác, sử dụng bộ khung được 7-10 năm và chỉ cần thay màng mới với mức chi phí không cao sau khi đưa vào sử dụng từ 3-5 năm.

Doãn Hưng - Quang Chương - Vi Hải
Phiên bản di động