Bắc Giang: 23 ca F0 tại Lục Ngạn đều ở trong khu cách ly tập trung

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ông La Văn Nam khẳng định 23 ca mắc Covid-19 mới đây không làm ảnh hưởng tới "vùng vải thiều không Covid-19" của huyện Lục Ngạn; 23 ca mắc Covid-19 là công nhân, đã được cách ly từ trước tại Việt Yên, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Bài 4: “Đường dài” cho quả vải thiều Bắc Giang Bài 3: Tạo “làn xanh” cho vải thiều cất cánh Bài 2: Nói không với "giải cứu" Để vải thiều Bắc Giang "cất cánh" trong mùa dịch

Chiều 14/6, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam cho biết, cho đến thời điểm này, huyện Lục Ngạn vẫn đang giữ vững được "vùng vải thiều không Covid-19".

Khi được phóng viên hỏi thông tin về ca mắc Covid-19 mới đây tại huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam cho biết: Đúng là trong mấy ngày qua huyện Lục Ngạn có các ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, các trường hợp này đều là các công nhân được đón từ Việt Yên về Lục Ngạn ngày 1/6 vừa qua theo chủ trương của tỉnh nhằm giảm tải cho huyện Việt Yên.

"Các công nhân khi được đón về từ Việt Yên đã được cách ly tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn, và các ca nhiễm này không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng" - ông La Văn Nam khẳng định.

Lục Ngạn đang giữ vững "vùng vải thiều không covid-19"
Khu cách ly tập trung tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lục Ngạn

Trước đó, ngày 1/6, huyện Lục Ngạn đón 135 công nhân là người Lục Ngạn đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh Bắc Giang ở khu nhà ở xã hội Fugiang tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Khu cách ly này do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang quản lý).

Đón công nhân đang cách ly tại huyện Việt Yên về các địa phương là chủ trương của BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang, nhằm giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung nằm trên địa bàn huyện Việt Yên, chuẩn bị cho giai đoạn quyết định dập tắt dịch bệnh này.

Ông La Văn Nam cho biết, khi các công nhân này trở về Lục Ngạn, nếu các trường hợp F1 có nguy cơ thấp, đã hết 21 ngày cách ly tại huyện Việt Yên sẽ được cho về cách ly tiếp tại gia đình theo qui định.

"Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi đã chỉ đạo phải tiếp tục cách ly tập trung tại huyện Lục Ngạn thêm 7 ngày để lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần là âm tính sẽ đưa về nhà cách ly tại nhà theo qui định" - ông La Văn Nam nói tiếp.

Trong số 135 công nhân này, có cả các công nhân thuộc nhóm nguy cơ cao, nhóm nguy cơ trung bình và nhóm nguy cơ thấp.

Khi đón các công nhân về huyện Lục Ngạn, ngày 1/6 vừa qua, huyện Lục Ngạn đã thực hiện giãn cách thành nhiều khu vực nhỏ trong khu cách ly, đảm bảo các trường hợp thuộc diện nguy cơ cao và trung bình sẽ được bố trí 1 người/phòng; nguy cơ thấp 2 người/phòng.

Từ khi đón các công nhân từ Việt Yên về, qua xét nghiệm các mẫu gộp, tính từ 14 giờ ngày 10/6/2021 đến 23 giờ ngày 11/6/2021 tại địa điểm cách ly của huyện ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, phát hiện 23 ca F0. Trong khi đó, 38/39 cơ sở cách ly còn lại của huyện không phát sinh thêm trường hợp dương tính nào.

Lục Ngạn đang giữ vững "vùng vải thiều không covid-19"
Thông tin Lục Ngạn có ca dương tính làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ vải thiều của địa phương này

Ông Nam chia sẻ, mấy ngày qua, thông tin trên mạng xã hội là huyện Lục Ngạn có 29 ca mắc Covid-19 đã bị hiểu sai. Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến công tác thu hoạch và tiêu thụ vải thiều đang bước vào chính vụ.

Ông La Văn Nam bày tỏ: "Chính quyền và Nhân dân Lục Ngạn đã và đang cố gắng giữ gìn vùng vải thiều không Covid-19. Vì vậy, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông đưa tin khách quan, chi tiết sự việc đến bạn đọc cả nước, tránh làm ảnh hưởng tới việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của bà con nông dân".

Ngày 14/6/2021, Lục Ngạn tiêu thụ 4.542,88 tấn vải thiều. Luỹ kế, đến nay tổng sản lượng đã tiêu thụ là 51.399,88 tấn (vải sớm: 30.317 tấn, vải thiều: 21.082,88 tấn) .

Vải được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc và xuất khẩu sang thị trường, Campuchia, Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.

Giá bán dao động từ 12.000 đ/kg - 28.000 đ/kg. Giá vải sớm Thanh Hà từ 18.000-28.000 đ/kg; vải thiều: giá 12.000-25.000 đ/kg.

Giá vải thu mua tại các vườn sản xuất theo tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật bản là 25.000 đ/kg.

Giá vải sấy khô từ 35.000-50.000 đ/kg.

Mạnh Đức - Doãn Trung
Phiên bản di động