Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế, phí trong giá xăng
Chính thức “chốt” mức giảm thuế môi trường với xăng dầu từ ngày 1/4/2022 Giá xăng dầu giảm sau 7 lần tăng liên tiếp |
Rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí
Ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9.
Theo đó, ở lĩnh vực công thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.
Đồng thời có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; Làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.
Cạnh đó, tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân.
Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí... |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định...
Giảm thuế môi trường với xăng 2.000 đồng/lít
Trước đó, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ giảm từ 50 - 70% so với hiện hành đối với 6 loại xăng dầu.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít (giảm tới 70%).
Theo đó, nếu phương án đề xuất này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) sẽ ở mức 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ ở mức 1.000 đồng/lít/kg; Dầu hỏa sẽ ở mức 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay được giữ nguyên từ lần giảm kỳ trước là 1.500 đồng/lít.
Thời hạn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến tính từ ngày 1/4 - 31/12/2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước diễn biến giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, nhằm giảm bớt tác động xấu do giá dầu tăng cao đối với lạm phát, tiêu dùng và đời sống người dân, một số quốc gia đã triển khai thực hiện giải pháp giảm thuế đối với xăng dầu (tùy đặc điểm mà mỗi quốc gia áp dụng biện pháp giảm thuế khác nhau), trong đó Hàn Quốc đã tạm thời giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong vòng sáu tháng từ ngày 12/11/2021 đến hết tháng 4/2022).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 sẽ tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 là năm 2019, khi đó, với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế mặt hàng này sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.
Từ đó, việc giảm thuế sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng (số giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng).
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian qua và được dự báo là có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ có tác động làm tăng thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô. Qua đó, sẽ bù đắp số giảm thu do việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo phương án trên.
Với mức giảm mức thuế bảo vệ môi trường trên sẽ làm giá bán lẻ xăng giảm tương ứng 2.200 đồng/lít, còn giá bán lẻ dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm tương ứng là 1.100 đồng/lít, giá bán lẻ dầu hỏa giảm tương ứng là 770 đồng/lít (tất cả đều bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong ngắn hạn, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn khó có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch (năm 2019) vì nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Do đó, về cơ bản, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trườngđối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn.
Đồng thời, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên; Không làm tăng phát thải khí nhà kính và không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 do việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là có thời hạn đến hết ngày 31/12/2022.