Trình Quốc hội việc gia nhập Công ước số 98 của ILO
Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc “phá nát quy hoạch” Đại biểu Quốc hội: 'Không chồng chéo khi vừa thanh tra, vừa kiểm toán giá điện' |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn) |
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế và áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14.
Báo cáo về việc gia nhập Công ước số 98, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến tháng 5/2019, trên thế giới đã có 166 trong tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có nhiều ý nghĩa. Cụ thể, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động của người lao động được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động; do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Việc gia nhập Công ước 98 là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là thành viên của Tổ chức ILO; nhằm tăng cường cam kết chính trị và thực thi thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu .
Nội dung của Công ước số 98 bao gồm những quy định về ba yếu tố đóng vai trò quan trọng để thương lượng tập thể được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế, bao gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.
Đánh giá tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh, Chính phủ cho biết, việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công...
Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động. Trên thực tế việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhóm người lao động khác nhau và tăng biến động trong xã hội, điều này có thể đe dọa sự gắn kết xã hội và bền vững lâu dài của phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đối với kinh tế - xã hội, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.