Triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao

Dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức song nhiều tổ chức quốc tế lần lượt đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đầy triển vọng trong năm nay.
Vĩnh Phúc: Nỗ lực chuyển đổi số Giải quyết dứt điểm dự án chậm tiến độ, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quý 1 năm nay vẫn ước tính đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua (Ảnh: CNN)
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quý 1 năm nay vẫn ước tính đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua (Ảnh: CNN)

Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2022 của ADB nhận định, kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 6,7% trong năm 2023 do tỉ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh các hoạt động thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng.

ADB cũng dự báo nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người và tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh chính là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khác”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam cho biết.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% trong năm nay và sau đó sẽ ổn định quanh mức 6,5%. Dịch vụ từng bước phục hồi, lượng khách quốc tế dự kiến khôi phục dần từ giữa năm 2022. Mặc dù vẫn còn các thách thức song nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD (Ảnh: Reuters)
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD (Ảnh: Reuters)

Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB nhấn mạnh: “Việt Nam là một ví dụ về thành công trong chuỗi giá trị, nhất là trong tận dụng sự thay đổi của thương mại toàn cầu. Việt Nam thực sự là một hình mẫu về thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, tôi hy vọng các bạn hãy tìm cách thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ. Đây là lĩnh vực có phạm vi rất lớn để phát triển, tăng cạnh tranh, tăng năng suất”.

Đánh giá về môi trường đầu tư Việt Nam, nhiều trang báo quốc tế cũng đã có những bài phân tích đầy lạc quan.

Trang CNBC đã đưa nhận định của các nhà phân tích đến từ Goldman Sachs và JPMorgan Chase Asset Management cho rằng 3 thị trường nóng nhất tại Đông Nam Á là Singapore, Indonesia và Việt Nam.

“Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong suốt thời kỳ đại dịch”, ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, chia sẻ.

Mới đây hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ cũng đăng tải bài viết: “Chứng khoán Việt Nam dần trở thành chỗ trú ẩn cho nhà đầu tư”. Bài báo đã phân tích tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ việc mở cửa thương mại và du lịch trở lại; Tăng trưởng kinh tế tích cực và tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp.

Trang WangYi của Trung Quốc đưa bài viết với tiêu đề: “Việt Nam giữ chân các nhà đầu tư nước ngoà; Trong đó phân tích tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. “Trong quý đầu tiên của năm 2022, các quỹ đầu tư tăng vốn và tham gia cổ phần tăng đáng kể. Đặc biệt dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,42 tỷ USD, cao kỷ lục trong vòng 5 năm. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả”, bài báo phân tích.

Trước đó, hãng đánh giá tín dụng Fitch cũng đã xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB với triển vọng tích cực, cho thấy tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục lạc quan. Fitch kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc từ mức 2,6% năm 2021 lên 6,1% năm 2022 và 6,3% vào năm 2023. Các hoạt động sản xuất tiếp tục được chú trọng, thúc đẩy, du lịch bước đầu khởi sắc sau hơn nửa tháng mở cửa cho du khách quốc tế là những động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động