“Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?

Thách thức đầu tiên của Đề án Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng chính là vấn đề đảm bảo không gian thoát lũ. Bởi lẽ, nơi đây được xác định là hành lang thoát lũ, không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng.

Để Bãi Giữa không bị lãng quên

Khu vực Bãi Bồi, Bãi Giữa sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Thuộc tính quan trọng ở đây, đó là có không gian mặt nước, cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái mặt nước. Song việc quản lý, khai thác, sử dụng ở cả hai khu vực Bãi Giữa và Bãi Bồi ven bờ sông Hồng gần như chưa được quan tâm.

Theo TS, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Việt Huy, Hà Nội công bố kế hoạch lập Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017. Theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Theo quy hoạch, Bãi Giữa sông Hồng chảy qua khu vực nội độ trên địa bàn hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh theo hệ thống công viên - hồ điều hòa đồng bộ, 30% còn lại để phát triển đô thị.

“Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?

Hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào sáng 24/11 quy tụ nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh bùng nổ dân số và thiếu không gian công cộng hiện nay, việc cải tạo những không gian này mang đến nhiều lợi ích cho đô thị. Song một trong những thách thức đặt ra là số lượng người sống ở các khu vực bãi sông, nơi chịu các rủi ro về nhập lũ trên địa bàn TP Hà Nội là rất lớn, lên đến hơn 622 nghìn người, chiếm khoảng 8,22% tổng số dân số của TP. Ngoài ra, tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cũng thừa nhận, trên địa bàn vẫn tồn tại những vi phạm phát sinh về đê điều và xây dựng. Bên cạnh đó, việc quản lý nhân khẩu khu vực này gặp nhiều khó khăn.

“Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?
Toàn cảnh hội thảo

Không thể chủ quan với bài toán thoát lũ

Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã chỉ rõ vùng đất bãi giữa nằm kề cận mép sông đã được xác định nằm trong hành lang thoát lũ.

Vấn đề này được khá nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đưa ra khi thảo luận về Đề án Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng.

“Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?
KTS người Pháp Olivier Souquet

Theo TSKH Bạch Quốc Khang, yêu cầu đầu tiên của Đề án này là đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Theo đó, Bãi Giữa đang được xác định là không gian thoát lũ, chứa lũ không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, hoặc nghiên cứu xây dựng công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi mục tiêu, tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng.

Hơn nữa, không gian chứa và thoát lũ của Bãi Giữa lại liên hoàn với kết quả quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới trên các bãi bồi hai bờ sông Hồng. Chúng có tác động tương hỗ đến dòng chảy và không gian an toàn lũ chung của đoạn sông này. Vì thế, theo chuyên gia này, Đề án Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa không thể đứng riêng độc lập, tách khỏi hệ thống giải pháp an toàn phòng chống thiên tai và tổng thể các hành động tạo lập trục không gian đặc biệt.

KTS Olivier Souquet: "Cần phải nghiên cứu rất kỹ..."

Bãi Giữa sông Hồng là không gian xanh tự nhiên. Chúng tôi cảm nhận, ở các đô thị Việt Nam, nhiều nhà cao tầng mọc lên đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan đô thị và một nơi để tìm lại không gian sống cho cư dân chính là ven sông. Những dải đất ven sông là nơi duy nhất mà nước có thể thoát ra. Đó là một không gian “sống” với đa dạng sinh học phong phú, việc làm “ngạt thở” nó bằng các kết cấu kè bê tông như hiện nay sẽ mang lại cái chết từ từ cho những con rồng sống ở đó...

Có nhiều bài học như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng khi long mạch con sông đã thay đổi. Vì thế, với việc xây dựng công viên ở Bãi Giữa, tôi cho rằng cần nghiên cứu rất kỹ; có những phần chúng ta phải tác động nhưng có phần phải để nguyên trạng tự nhiên.

Ngoài ra, theo TSKH Bạch Quốc Khang, càng không thể chủ quan với bài toán thoát lũ. Nếu chỉ quan tâm đến việc sử dụng đất chưa hiệu quả, lấn chiếm xây dựng nhà tạm, vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, khai thác du lịc, an ninh quốc phòng thì chưa đủ để xây dựng một công viên bền vững trên mặt nước, giữa dòng chảy sông Hồng.

Không “bê tông hóa” Bãi Giữa

Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, giúp xác định rõ hơn khung khổ không gian, các “lằn ranh đỏ” của công viên đặc biệt này. Công viên Bãi Giữa dù là hiện thân của văn hóa đô thị hay làng quê thì không có nghĩa phải can thiệp, công trình hóa, hoàn toàn bê tông hóa để “chống lại nước”.

KTS Nguyễn Thế Khải cho rằng, công viên này nên khai thác mạch các ý tưởng như: Tái hiện văn hóa vùng miền độc đáo; tạo lập bảo tàng sống về lịch sử kiến tạo sông Hồng gắn với các truyền thuyết dân tộc Việt với ký ức Kinh đô Thăng long vươn lên ở trong sông; Giữ lại không gian êm đềm, thanh bình, tạo lập các góc chủ đề kiểu “làng lúa làng hoa”, nghề chài lưới, gốm sứ, bãi mía, nương ngô, trồng dâu nuôi tằm, làm vườn, câu cá, thả diều…

“Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?
KTS Nguyễn Thế Khải

“Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải đưa ra giải pháp khống chế được mực nước sông. Sau đó, xây dựng công viên theo chủ đề nền văn minh sông Hồng, khai thác và phát huy giá trị của những di tích, di sản dọc bờ sông” - KTS Nguyễn Thế Khải nhấn mạnh.

Giải quyết bài toán giao thông để khai thác cảnh quan bên sông Hồng Giải quyết bài toán giao thông để khai thác cảnh quan bên sông Hồng
Đánh thức hệ giá trị di sản dọc bờ sông Hồng Đánh thức hệ giá trị di sản dọc bờ sông Hồng
Hà Nội sắp xây thêm một cầu vượt qua sông Hồng Hà Nội sắp xây thêm một cầu vượt qua sông Hồng
"Hòn ngọc xanh" công viên Nghĩa Đô
Thái Sơn
Phiên bản di động