Giải quyết bài toán giao thông để khai thác cảnh quan bên sông Hồng

Để khai thác hiệu quả cảnh quan và hệ thống di tích lịch sử 2 bên sông Hồng, cần phải giải quyết bài toán về hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối đa phương thức gắn với đảm bảo an toàn thoát lũ, thích ứng với điều kiện thủy văn.

Đây là quan điểm của các chuyên gia, kiến trúc sư, quy hoạch tại Hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào sáng 24/11.

Tham dự hội thảo có ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội; bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội; ông Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên… và nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc.

Hướng đến khai thác cảnh quan bên sông Hồng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đang tập trung thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW 2021, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; nhiều Nghị quyết của Thành ủy, chương trình hành động của UBND thành phố, cho công cuộc phát triển quy hoạch - kiến trúc xứng đáng tầm vóc Thủ đô của đất nước.

Đặc biệt, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc coi nguồn lực văn hóa là nguồn lực mới để phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Nghị quyết 12 của Chính phủ để hiện thực hóa 15-NQ/TW 2022 có đưa ra vấn đề giao cho Hà Nội xây dựng không gian sáng tạo bên bờ sông Hồng.

Khai thác hiệu quả cảnh quan bên sông Hồng: Cần giải quyết bài toán giao thông đường thủy
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội phát biểu

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Vì vậy, theo ông Đỗ Đình Hồng, đây là hội thảo vô cùng quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 để hiện thực các chủ trương của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội. Hội thảo tạo ra cơ hội tập hợp các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hoá – lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho hay, trước kia, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng trong đó có vấn đề về đê điều. Trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng đến nay do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được.

Khai thác hiệu quả cảnh quan bên sông Hồng: Cần giải quyết bài toán giao thông đường thủy
Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cùng các chuyên gia tại buổi Hội thảo

“Hiện nay, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan (trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô)” – ông Nguyên nói.

Chú trọng khai thác Bãi Giữa

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND Quận Ba Đình cho biết, trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Vì vậy, ông Chiến đề xuất các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng. Cụ thể, công viên bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ Bãi Giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.

Khai thác hiệu quả cảnh quan bên sông Hồng: Cần giải quyết bài toán giao thông đường thủy
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Khu vực đầu tư mới nằm ở Bãi Giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian - sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm - thời thị thành Phong kiến “trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên quận Long Biên, Ba Đình - thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ - thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái… Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian - kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.

Tiếp cận về lý thuyết hành lang xanh, tôi cho rằng phát triển Bãi Giữa sông Hồng là một tầm nhìn của Thủ đô. Tuy vậy, khó khăn hiện tại là chúng ta muốn thiết lập không gian cố định trong hành lang thoát lũ và việc kiểm soát hoạt động xây dựng trái phép, đổ rác thải và phế liệu xây dựng. Nhưng đây là cơ hội để phát triển mô hình sinh thái trên cơ sở tiềm năng tự nhiên và tiếp nối tinh thần danh hiệu Thành phố Sáng tạo.

Tôi mạnh dạn đưa ra 5 mô hình phát triển Bãi Giữa. Đó là mô hình: Công viên chuyên đề, sinh thái; Công viên chuyên đề khoa học công nghệ phát huy vị thế của 4 quận lịch sử; Công viên nông nghiệp quốc gia để phát huy quỹ đất, hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp cao; Công viên văn hóa quốc gia; Công viên thảo dược quốc gia.

(KTS Nguyễn Văn Tuyên – Đại học Xây Dựng)

Đồng thời, ông Chiến cũng đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực Bãi Giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu.

Kết nối giao thông đường thủy, đường bộ

Tại Hội thảo, đại diện các quận có diện tích liên quan đến dọc sông Hồng như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên cũng đồng quan điểm là không phát triển đô thị mà đi vào khai thác mặt nước, cảnh quan, không gian dành cho cộng đồng; khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt là bề dày dọc sông Hồng gắn với giao thông đường thủy của ông cha trước đây.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi xác định đây là cơ hội để phát huy lợi thế cảnh quanh mặt nước, tăng khả năng tiếp cận của sông Hồng với khu vực nội đô, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tại khu vực có mật độ dân cao, thiếu không gian công cộng” – ông Long nói.

Ông Long cũng chia sẻ, với mục tiêu trên, quận đang mở tuyến đường Chương Dương Độ từ chân đê ra đến mép sông. Trong tương lai, quận tiếp tục thực hiện các tuyến đường tăng kết nối trong đê và ngoài đê , triển khai bến thủy nội địa trên địa bàn quận. “Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tổ chức chức cuộc thi để tập trung các ý tưởng nhằm khai thác khu vực sông Hồng một cách hiệu quả” – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Khai thác hiệu quả cảnh quan bên sông Hồng: Cần giải quyết bài toán giao thông đường thủy
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên bày tỏ quan điểm về việc phát triển Bãi Giữa sông Hồng

Bày tỏ đồng tình về việc cần phải giải quyết vấn đề giao thông đường thủy và đường bộ khu vực sông Hồng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, khu vực Bãi Nổi, Bãi Giữa Sông Hồng là khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng. Vì thế, cần được xử lý theo giai đoạn và theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (vật liệu đảm bảo bền vững trong môi trường nước), tiếp đó là hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức gắn với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ, thích ứng với điều kiện thủy văn.

"Cần phải chú trọng đến giao thông phải kết nối đường thủy và đường bộ; Hạn chế tối đa bê tông hóa đối với khu vực Bãi Giữa. Đặc biệt, phải giữ và khai thác được cầu Long Biên. Điều này đặt trách nhiệm cao cho Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ. Cần xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ quy hoạch nào" - ông Hà nhấn mạnh một lần nữa.

Giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị bằng mô hình công cộng Giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị bằng mô hình công cộng
Từng bước Từng bước "xanh hóa" giao thông đô thị
Hà Nội sắp xây thêm một cầu vượt qua sông Hồng Hà Nội sắp xây thêm một cầu vượt qua sông Hồng
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô
Nguyễn Thị Thủy
Phiên bản di động