Tránh kỳ thị DN tư nhân và tâm tình của Bí thư Bắc Ninh
Doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu "10 chữ" để phát triển kinh tế tư nhân |
Ông Nguyễn Nhân Chiến cho biết tại hội nghị TƯ 10, ông đã nêu suy nghĩ cá nhân, cho rằng trong điều kiện hiện nay rất mất cân đối giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước.
Theo ông, cần coi phát triển kinh tế tư nhân là một khâu đột phá để phát triển nội lực, phát triển độc lập, tự chủ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến |
Theo ông, nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tư nhân.
"Tránh kỳ thị DN tư nhân như Tổng bí thư, Chủ tịch nước vừa rồi nêu, DN tư nhân làm tốt có thể phong tặng danh hiệu anh hùng, bỏ đi những mặc cảm trước đây", ông nói.
Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã tạo cho DN, nhất là DN tư nhân có niềm tin rất lớn. Các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét khen thưởng hình thức này, hình thức kia cũng đỡ bị ngại.
Bí thư Bắc Ninh cũng đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ ngành tham mưu để ra một loạt hàng rào kỹ thuật, khuyến khích sản xuất trong nước, tránh nhập mặt hàng không đảm bảo chất lượng, đồng thời thực hiện tốt các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị có những giải pháp tháo gỡ trong đầu tư xây dựng cơ bản. Vì thực tế đang có những vấn đề mâu thuẫn giữa các luật Đầu tư công, Đất đai, Ngân sách, TNMT làm chậm quá trình giải ngân, có tiền nhưng không tiêu được.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc trong các hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư), trong đó có hình thức BT. Với quy định hiện nay không chỉ ảnh hưởng của DN mà còn liên quan đến phát triển chung của xã hội.
Theo ông, trước hết là tháo gỡ ngay cho các dự án đã có vốn thanh toán, thậm chí đã phê duyệt quyết toán mà chưa kịp thanh toán bằng dự án khác bằng đất thì có hướng dẫn kịp thời.
Cứ lẳng lặng làm
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đặt vấn đề: "Tăng trưởng kinh tế phải phụ thuộc FDI nhiều không? Tỉ trọng tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào FDI như thế nào, nhiều hay ít?" và cho rằng tính bền vững trong tăng trưởng không được Chính phủ phân tích đánh giá rõ.
Nói về nạn tham nhũng vặt, Đại biểu tỉnh Bạc Liêu cho rằng tình trạng "trên nóng dưới lạnh" là vấn đề bức xúc trong dân.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Bạc Liêu |
"Những vụ lớn khui ra thì mới biết nhưng hàng ngày, người dân, DN đến làm thủ tục thì gây khó dễ cho người ta quá. Đến lúc tôi phản ảnh thì 2 hôm sau giải quyết xong nhưng DN đến nói: Thôi anh ơi, anh cố gắng để cho chúng em làm ăn lâu dài. Anh tâm huyết giúp đỡ như thế là chúng em ghi nhận rồi", Đại biểu Hạ kể lại.
Ông kể, một tập đoàn lớn thì nói: Báo cáo với các anh để nói trước Quốc hội là làm cái gì cứ lẳng lặng chứ đừng trống giong cờ mở!
"Thế làm sao một đất nước phát triển DN nhỏ và vừa được", Đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc tổng đầu tư của tư nhân tăng, phần đầu tư của nhà nước giảm là đúng hướng. Tuy nhiên việc phân bổ và giải ngân đầu tư công chậm do tổ chức thực hiện và thể chế.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH-ĐT công khai các địa phương, bộ ngành giải ngân thấp và lập tổ đốc thúc.
Về thể chế, mong đại biểu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ trong sửa đổi luật Đầu tư công. Ngoài ra Chính phủ cũng khuyến khích địa phương giao trách nhiệm cho từng "đồng chí thường vụ" về 1 dự án đầu tư công.
Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nêu tình trạng một số địa phương đang thiếu giáo viên, nhưng quy định không được tăng giáo viên. "Thủ tướng đã phát biểu có 2 lĩnh vực liên quan đến người thầy là thầy giáo và thầy thuốc không được để thiếu nhưng quy định tăng số lượng giáo viên lại không thuộc thẩm quyền của địa phương, HĐND không được quyết định, dù đây là biên chế viên chức sự nghiệp mà do Chính phủ quyết", ông Chiến nói. Bí thư Bắc Ninh đề nghị những địa phương đã có văn bản đề nghị với TƯ thì các bộ ngành sớm thẩm định, trình Chính phủ nếu phải cấp cao hơn thì báo cáo để sớm giải quyết cho địa phương ngay trong năm học mới. "Như Bắc Ninh thiếu hơn 2.600 giáo viên. Vừa rồi nghe thông tin khả năng mới giải quyết cấp học mầm non trong khi tiểu học và trung học cơ sở đều thiếu. Thiếu cơ sở trường lớp thì địa phương sẽ giải quyết bằng nhiều hình thức nhưng thiếu giáo viên thì địa phương không thể bù vào", ông Chiến nhấn mạnh. |