Trải nghiệm xanh tại Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023

Ngày 9/12, tại Khu du lịch sinh thái Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì khai mạc Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 - Ba Vì trải nghiệm xanh.
Hà Nội là điểm đến hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày Kết nối “Hà Nội - Điểm đến du lịch golf” với các tỉnh, thành Hà Nội ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm
Đại biểu nhấn nút khai mạc Chương trình
Đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội du lịch sinh thái

Tham dự chương trình có Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng; các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và đông đảo du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khai mạc chương trình
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khai mạc chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, có giá trị đặc biệt, được khai thác, kết hợp hiệu quả thành các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của du lịch Thủ đô.

Với 5.922 di tích, 1.206 lễ hội, 1.350 làng nghề, làng có nghề, Thủ đô Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái.

Trong quy hoạch phát triển du lịch thành phố, du lịch sinh thái cũng được xác định là một trong 7 sản phẩm chính của Hà Nội.

Đây là loại hình du lịch dựa vào môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, là xu hướng phát triển nhanh trên thế giới và ở Việt Nam về du lịch xanh, hướng tới sự bền vững, mang lại hiệu quả rõ rệt cho cộng đồng bản địa, đồng thời góp phần phát huy giá trị và giới thiệu, quảng bá rộng rãi văn hóa các địa phương, vùng miền.

Cũng theo bà Đặng Hương Giang, du lịch sinh thái ở các khu vực ngoại thành Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua do điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Những lợi thế phát triển du lịch của hệ thống núi Ba Vì và nhiều hồ nước nhân tạo có diện tích mặt nước lớn như hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, hồ Quan Sơn, hồ Hàm Lợn... đã tạo thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để hình thành một số khu, điểm tham quan du lịch sinh thái như: khu du lịch suối khoảng Tản Đà, ASEAN Resort, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà góp phần đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao cho khách du lịch.

Chương trình nghệ thuật giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Đoài
Chương trình nghệ thuật giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Đoài

Ba Vì là huyện vùng bán sơn địa nằm ở phía tây của Thủ đô, với diện tích rộng, địa hình phong phú, có tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, tâm linh tín ngưỡng và văn hóa xứ Đoài là nguồn tài nguyên quý giá để Ba Vì phát triển du lịch.

Nằm ngay dưới chân núi Tản Viên, khu du lịch sinh thái Ao Vua - một trong bốn khu du lịch cấp thành phố trên địa bàn huyện Ba Vì, sở hữu không gian rộng lớn, thoáng đãng của núi non xứ Đoài, kết hợp với các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đã trở thành điểm du lịch quen thuộc, thu hút đông đảo du khách. Vì thế mà khu du lịch này được lựa chọn tổ chức Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023.

Tiết mục thể hiện du lịch sinh thái xanh ở Ba Vì
Tiết mục thể hiện du lịch sinh thái xanh ở Ba Vì

“Thông qua lễ hội này, Sở Du lịch mong muốn phát huy lợi thế du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Ba Vì nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 25,5 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023 và giữ vững danh hiệu “Điểm đến thành phố hàng đầu Thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày” do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới trao tặng”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia nhảy sạp tại Lễ hội
Các đại biểu tham gia nhảy sạp tại Lễ hội

Trong thời gian điễn ra lễ hội (9 - 10/12), ngành du lịch Thủ đô và huyện Ba Vì tổ chức chương trình nghệ thuật giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Đoài.

Cụ thể là biểu diễn nghệ thuật dân tộc như dân ca, diễn tấu chiêng, sáo Mường…và tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc như ô ăn quan, nhảy dây, đi cà kheo, đập niêu,…

Trình diễn Chiêng Mường - hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc tại Lễ hội
Nghệ nhân nón lá làng Chuông giới thiệu sản phẩm làng nghề tại Lễ hội

Bên cạnh việc giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, tại lễ hội, ngành du lịch Thủ đô còn quảng bá điểm du lịch của thành phố Hà Nội.

Cụ thể điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), khu du lịch Ao Vua, khu du lịch suối khoáng Tản Đà, khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên (huyện Ba Vì), điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng (huyện Đan Phượng), điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất) và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ (thị xã Sơn Tây).

Cũng trong hai ngày diễn ra, lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như khu vực check-in “Điểm đến sinh thái”; khu vực gian hàng quảng bá du lịch sinh thái và điểm đến xứ Đoài; Khu vực không gian phối hợp trình diễn các hoạt động hoạt náo, văn hóa bản sắc dân tộc…

Đồng thời các điểm đến của xứ Đoài và các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch giới thiệu sản phẩm tour tuyến du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghệ nhân các làng nghề cũng giới thiệu sản phẩm làng nghề, quà tặng du lịch như sơn mài, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ mây tre đan, thủ công mỹ nghệ sừng, khảm trai, tò he, chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt Tràng Sơn…

Trong khuôn khổ lễ hội, đại biểu tham dự sẽ tham gia khảo sát Amour Resort Ba Vì (Cote 400) và Melia Ba Vì Mountain Retreat (Cote 600) thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì. Qua đó vừa giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch sinh thái Ba Vì, vừa kết nối tour tuyến, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái Ba Vì với các điểm đến trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận.

Hoa Thành
Phiên bản di động