Trách nhiệm chậm hoàn thuế: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì?
Doanh nghiệp đói vốn, hoàn thuế vẫn chậm Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thuế kéo dài đến mấy năm, doanh nghiệp có sống được không? |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã lên tiếng những thông tin liên quan đến việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo Thứ trưởng, năm 2022, cơ quan thuế cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng.
Trong 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước số đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quy định hoàn thuế giá trị gia tăng được quy định trong Luật Quản lý thuế với 2 trường hợp là hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau, đều có quy định thời hạn ngày hoàn thành tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ hồ sơ pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. |
Trong đó đáng chú ý gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
Nói về trách nhiệm chậm hoàn thuế giá trị gia tăng thời gian qua, ông Chi cho rằng, muốn biết trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, thuế hay người dân thì cần xem xét ở từng trường hợp, hồ sơ cụ thể.
Ông Chi giải thích, với ngành thuế cần rà soát, cải tiến quy trình, xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp. Việc này nhằm sàng lọc dữ liệu rủi ro, giảm đi những doanh nghiệp kiểm trước, hoàn sau.
"Việc chậm hoàn thuế thì cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, cải tiến để làm sao không chậm và không ai có thể nói là chậm", ông Chi nói.
Để rút ngắn thời gian hoàn thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan thuế và doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, chủ động trong thực hiện quy định về tài chính, thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó, ngành thuế cũng cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ trong hoàn thuế, tránh gây khó khăn, nhưng cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, để phòng ngừa và ngăn chặn gian lận thuế.
Hoàn thuế giá trị gia tăng mấy năm qua gặp không biết bao nhiêu vướng mắc. Hệ quả là doanh nghiệp bị “ngâm” hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh vốn liếng cạn kiệt, nợ nần còng lưng, chi phí đè nặng...
"Qua từng năm, số thuế đề nghị hoàn ngày càng tăng thêm. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn về dòng vốn nên doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh, không dám nhận đơn hàng, bởi càng làm thì số tiền hoàn thuế càng lớn, doanh nghiệp càng lỗ", đại diện một công ty ở Hà Nội chia sẻ.