Doanh nghiệp đói vốn, hoàn thuế vẫn chậm
Các dự án điện đã được hoàn thuế hơn 5.300 tỷ đồng Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thuế kéo dài đến mấy năm, doanh nghiệp có sống được không? |
Doanh nghiệp chạy ngược chạy xuôi xoay dòng vốn
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hết cửa xoay vốn làm ăn vì hàng chục tỷ đồng bị “ngâm” suốt mấy năm qua khi chưa được hoàn thuế, trong khi tiền lương của người lao động, tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, là ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì nguồn tiền cạn kiệt, không thể xoay sở để mua nguyên liệu để gia công, thì họ chỉ còn nước cho công nhân nghỉ việc và đóng cửa nhà máy, chứ không còn giải pháp nào khác.
Hoàn thuế giá trị gia tăng mấy năm qua gặp không biết bao nhiêu vướng mắc. Hệ quả là doanh nghiệp bị “ngâm” hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh vốn liếng cạn kiệt, nợ nần còng lưng, chi phí đè nặng...
Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, cao su... đang đứng trên bờ vực phá sản vì không có vốn hoạt động trong khi số tiền thuế bị treo kéo dài hàng năm trời.
"Qua từng năm, số thuế đề nghị hoàn ngày càng tăng thêm. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn về dòng vốn nên doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh, không dám nhận đơn hàng, bởi càng làm thì số tiền hoàn thuế càng lớn, doanh nghiệp càng lỗ", đại diện một công ty ở Hà Nội chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì chậm hoàn thuế. |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đang khốn khổ vì bị chậm hoàn thuế VAT, có doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn.
"Có doanh nghiệp sản xuất nội địa có hàng xuất khẩu gần 100 thị trường trên thế giới gửi cả bộ hồ sơ đến VCCI nói họ rất khốn khổ do bị chậm hoàn thuế gia trị gia tăng", ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, việc hoàn thuế trục trặc vì ngành thuế cho rằng một doanh nghiệp trong chuỗi của doanh nghiệp này chuyển trụ sở hay trụ sở không rõ ràng gì đó nên họ được đưa vào diện xét duyệt, phải xác minh thay vì hoàn trước kiểm sau như trước đây.
"Quá trình xác minh có thể mất rất nhiều tháng và không biết khi nào có thể xong", ông Tuấn nói.
Cái khó của cơ quan thuế
Công tác hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về công tác giải quyết hoàn thuế.
Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương, quyết liệt có văn bản chỉ đạo các Cục Thuế trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc thì thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ và giải thích cho doanh nghiệp.
Ngành thuế cũng đang nỗ lực giải quyết các hồ sơ hoàn thuế. |
Ngày 2/8 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh và giải quyết các vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (về chính sách, về chỉ đạo chung toàn ngành, về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghẹ thông tin, về đẩy mạnh tiến độ xây dựng, triển khai ứng dụng phân tích rủi ro; về nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn…).
Theo Bộ Tài chính, việc đẩy nhanh hoàn thuế cho doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng mục tiêu khác cũng quan trọng không kém đó là chống gian lận, chống thất thu ngân sách trong công tác hoàn thuế.
Qua công tác rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế (hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; Hồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro ...), cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn.
Do vậy, cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ tránh gian lận, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Hiện tại Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn gồm: Hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế để đảm bảo các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế được kịp thời; đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.
Trong công tác quản lý, Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế theo quy trình mới ban hành để tự động hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp giải quyết hồ sơ hoàn thuế kịp thời, đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ.
Song song đó, ngành thuế áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp trung gian trong chuỗi mua bán; phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng của các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; nói không với các hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong trong việc đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị hồ sơ, tập hợp các hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán, các tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu trước khi nộp hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, kiểm tra của cơ quan thuế. Trường hợp vướng mắc liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế cần chủ động, kịp thời liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, giải đáp.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình giải quyết, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế được phân loại thành 2 trường hợp: Hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trong đó đáng chú ý gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì cơ quan Thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC mà không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho người nộp thuế. Năm 2022, cơ quan thuế cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7/2023), cơ quan thuế cả nước số đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng. |