Tổn thương tâm lý và cách giúp người trẻ “đương đầu”

Trong cuộc sống hối hả, đầy áp lực hiện nay, nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn và bị tổn thương tâm lý. Thậm chí thời điểm cảm xúc tiêu cực quá trầm trọng hoặc bị đẩy đến cao trào đã có nhiều hành vi gây hậu quả đau lòng.
Bạo hành trẻ em: Ai gánh nổi những tổn thương đeo đẳng cả cuộc đời trẻ thơ? Điều kiện mở dần, để nền kinh tế sớm thoát "tổn thương" Cần đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá để tránh làm học sinh tổn thương

“1001” nguyên nhân gây tổn thương

Bạn trẻ Vũ Ngọc Huyền (25 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng rơi vào tình trạng bị tổn thương tâm lý nặng nề. Huyền kể, trước đây, cô có một mối tình đẹp. Hai đứa đã ra mắt cha mẹ hai bên, chụp ảnh cưới, chỉ còn đợi thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn nữa rồi đến ngày đẹp sẽ tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, mối tình tưởng chừng đã đi đến hồi kết đôi bạn trẻ về chung một nhà nhưng trong thời gian ngắn, họ lại đường ai nấy đi. Tình yêu tan vỡ, người yêu chia tay dứt khoát, mọi thứ chóng vánh khiến cô gái trẻ không chịu nổi cú sốc này.

Huyền buồn bã, đau khổ, cả khoảng thời gian dài cô luôn tự trách móc bản thân, dù rằng, người quay gót tàn nhẫn là bạn trai. Cô điên cuồng đi tìm người yêu cũ để xin anh quay trở lại… nhưng không thể. “Khoảng thời gian đó, tôi đã suy sụp đến nỗi không thể đứng dậy được, ốm nguyên nửa tháng. Tôi bi quan, khóc suốt, thậm chí từng muốn kết thúc cuộc đời vì mất hết niềm tin vào tình yêu và hoang mang không biết mình phải sống ra sao trong những ngày tiếp theo”, cô gái trẻ bày tỏ.

Có rất nhiều lý do khiến người trẻ bị tổn thương tâm lý (ảnh minh hoạ)
Tổn thương tâm lý, trầm cảm đang rất phổ biến trong giới trẻ (ảnh minh hoạ)

Áp lực học hành và sự kỳ vọng quá nhiều của gia đình khiến Nguyễn Hoàng Hiệp 20 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội rơi vào stress. Cuộc sống của chàng trai trẻ bị đảo lộn một cách phức tạp. Thường ngày cậu ngủ đủ 8 tiếng, đi ngủ vào lúc 10 giờ tối và thức giấc vào lúc 6 giờ sáng hôm sau nhưng sau khi rơi vào trầm cảm, cậu không thể như vậy. Hoàng Hiệp luôn trong trạng thái buồn bã, chán nản, phiền muộn, cơ thể mệt mỏi, khó ngủ. Cậu còn chán ăn, dẫn đến giảm cân, nhiều thói quen sinh hoạt khác của Hiệp cũng bị thay đổi…

Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Trong khoảng thời gian dài, mình rất tiêu cực và suy nghĩ nhiều, chỉ ở chung với bốn bức tường. Đến lúc đi khám sức khoẻ thì bác sĩ kết luận mình bị trầm cảm dạng nhẹ”.

Những năm qua, cả nước xảy ra nhiều vụ thanh niên, học sinh tự tử. Họ xem việc tự sát là cách duy nhất để giải thoát khỏi những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Rất nhiều vụ tử tự đã xảy ra với nhiều lý do làm tổn thương tâm lý như: Bị gia đình ngăn cản tình yêu; bị tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội; áp lực công việc, tiền bạc… Điều đó đòi hỏi vai trò của chính bản thân mỗi bạn trẻ trong việc “đương đầu” với những tổn thương rất quan trọng.

Sẵn sàng đối diện với nỗi buồn và chia sẻ...

Bạn trẻ Vũ Ngọc Huyền chia sẻ, sau một thời gian dài đau khổ vì tình yêu tan vợ, cô trò chuyện với những người bạn xung quanh, để tiếp nhận ý kiến góp ý từ họ cho cách thức giải quyết vấn đề mà cô gặp phải. Huyền đã thu lượm được nhiều ý kiến hay, bài học tích cực. Đồng thời, cô tự trò chuyện với bản thân. Cô đặt ra hàng trăm câu hỏi cho chính mình và tự mình trả lời. Sau gần một năm, Ngọc Huyền đã cảm thấy nhẹ bẫng tâm hồn, không nuối tiếc một người phụ bạc và mở lòng đón nhận những mối quan hệ khác để tìm kiếm cho mình tình yêu mới. Cô cũng yêu bản thân mình hơn sau biến cố.

Du lịch là cách nhiều bạn trẻ chọn để xả stress
Du lịch là cách nhiều bạn trẻ chọn để xả stress, giảm căng thẳng trong cuộc sống

Theo Huyền, khi ở tuổi đôi mươi, cô và nhiều bạn trẻ cảm thấy mông lung vô định, những tổn thương tâm lý rất dễ giết chết bản thân. Để đối diện với tổn thương ấy, cô gái cho rằng, mỗi người cần biết chấp nhận nỗi buồn và chia sẻ với những người thân, bạn bè xung quanh. Nó sẽ vơi đi rất nhiều và có những giải quyết tốt.

“Mình đã tự cho phép bản thân được buồn đau, khóc than… rồi theo thời gian vết thương đó sẽ lành lại. Từ khi học cách chấp nhận, mình suy nghĩ tích cực hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ cho phép bản thân buồn đau trong khoảng thời gian nhất định, không được kéo dài quá, còn dành thời gian tập trung vào những việc khác có ý nghĩa trong cuộc đời”, cô gái nói.

Với Nguyễn Hoàng Hiệp, cậu đã thoát stress bằng cách năng ra ngoài, đi chơi cùng các bạn. Chàng trai trẻ cho rằng, đó cũng là một trong những cách thiết thực để xả stress. Khi ngắm nhìn núi non hùng vĩ, hay biển cả mênh mông, hoặc chỉ đơn giản là thả mình vào một không gian rất rộng lớn, cậu cảm thấy đứng trước những thứ to lớn như vậy, nỗi buồn bỗng nhẹ nhõm. Nếu không có thời gian để đi xa, Hoàng Hiệp đi ra công viên, dạo phố phường, tích cực tập thể dục thể thao… Những hoạt động ấy đã giúp cậu cải thiện được tâm lý mệt mỏi sau những căng thẳng, áp lực.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động