Bạo hành trẻ em: Ai gánh nổi những tổn thương đeo đẳng cả cuộc đời trẻ thơ?

Tháng 6 hằng năm, rất nhiều chương trình phát động bảo vệ trẻ em được diễn ra. Thế nhưng, qua nhiều năm, tình hình bạo lực trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và luôn được đặt trong tình trạng báo động. “Chuông cứ gióng mà vọng lên trời”, đến khi nào chúng ta mới không phải nơm nớp lo sợ về những nguy hiểm rình rập quanh những đứa trẻ?
Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư Hà Nội: Căng mình điều tiết chống ngập sau cơn mưa lớn bất ngờ Hàng trăm nghìn sản phẩm nghi nhập lậu trong kho hàng Công ty Công nghệ Dotcom

Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em diễn ra

Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ khi liên tiếp những vụ án bạo hành trẻ em diễn ra trong thời gian gần đây. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống.

Điển hình như vụ việc bé gái 3 tuổi bị cắm 9 cây đinh vào đầu ở huyện Thạch Thất, Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Kẻ bạo hành chính là người tình của mẹ bé - Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội). Quá trình sinh sống, do bức xúc việc cháu A là con riêng của người tình nên Huyên nảy sinh ý định hành hạ, đánh đập và giết cháu bé để không phải nuôi dưỡng, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hai người. Từ tháng 9/2021 đến khi xảy ra vụ việc, Huyên đã 4 lần hành hạ bé A bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay. Đến ngày 17/1/2022, Huyên hỏi nhưng bé gái không trả lời nên tát nhiều cái và sau đó đã thực hiện hành vi tàn ác là đóng nhiều đinh vào đầu khiến cháu bé tử vong sau vài tháng điều trị tích cực.

Bạo hành trẻ em: Ai gánh nổi những tổn thương đeo đẳng cả cuộc đời trẻ thơ?
Ảnh minh họa

Mới đây nhất, ngày 27/5/2022, tại TP HCM, chỉ vì cháu bé bị ói, ọc sữa, người phụ nữ đã bạo hành, đánh liên tục vào vùng bụng khiến cháu bé 1 tuổi tử vong. Theo thông tin điều tra ban đầu, sáng cùng ngày, chị V (37 tuổi, trú quận Bình Tân) giao con mình là cháu K (1 tuổi) cho một người phụ nữ tên T (21 tuổi) trông giữ như mọi ngày. Đến 9 giờ 45 cùng ngày, T gọi cho chị V nói cháu bị ho, ọc sữa và cơ thể tím tái. Chị K tức tốc chạy về đưa con đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, cháu bé bị đa chấn thương vùng bụng, nghi do bạo hành.

Trước đó, tháng 2/2021, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) quyết định khởi tố Hoàng Thị Thu Huyền (34 tuổi, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông) về tội “hành hạ con”, quy định tại khoản 2, điều 185 Bộ luật Hình sự 2015. Theo kết quả điều tra, sau khi ly dị chồng, Huyền nhận nuôi bé N.H.B (12 tuổi). Trong quá trình sinh sống, Huyền thường xuyên dùng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào chân, tay, lưng khiến bé bị bầm tím khắp cơ thể. Chỉ đến khi người thân phát hiện, “giải cứu” thì bé mới thoát khỏi người mẹ nhẫn tâm này.

Trẻ em phần lớn chịu bạo lực từ người thân

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, nhà trường và trong cộng đồng của mình. Thế nhưng, theo các kết quả nghiên cứu thì tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, có trường hợp trẻ em bị chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học bạo lực và xâm hại.

Tại hội thảo về bảo vệ trẻ em cuối tháng 5 này, lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết năm 2021, Tổng đài quốc gia 111 tiếp nhận hơn 600.000 cuộc gọi đến, trong đó tư vấn hơn 30.000 ca, can thiệp trên 1.000 ca. Các ca cần tư vấn, can thiệp phần lớn liên quan bạo lực trẻ em, nguyên do từ người thân trong nhà chiếm tỷ lệ cao nhất gần 73%, tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Trẻ em, các vụ bạo hành phần lớn vẫn xuất phát từ quan niệm "thương cho roi cho vọt" của phụ huynh và không phải ai cũng có kỹ năng trong giao tiếp với con cái. Năm 2021, đợt dịch kéo dài khiến nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách thời gian dài, nhiều người phải làm việc ở nhà, hoặc mất việc làm, kéo theo những áp lực về kinh tế cũng khiến bạo lực gia đình gia tăng.

Hiện các văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn một số điểm chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý cơ quan, tổ chức và người đứng đầu cơ quan không thực hiện hoặc làm không đầy đủ trách nhiệm pháp lý bảo vệ trẻ em.

Nghị định 130 đã quy định các mức phạt hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em, không cung cấp thông tin hoặc làm lộ bí mật đời tư của trẻ. Song theo bà Nga, cần hoàn thiện các quy định về bảo vệ trẻ em, đặc biệt trên môi trường mạng. Hiện chưa có quy định từ nghị định trở lên, Cục đang xây dựng quy trình xử lý xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, dự kiến trong quý III/2022 sẽ hoàn thiện, lấy ý kiến để sớm ban hành.

Phải coi hành vi bạo lực trẻ em từ gia đình là tội ác

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, bảo vệ trẻ em phải được đưa vào trong quy hoạch, phát triển kinh tế từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là người lãnh đạo, phải coi nhiệm vụ chăm lo cho trẻ như con cháu trong nhà mình.

Phải coi hành vi bạo lực trong gia đình là tội ác
Phải coi hành vi bạo lực trong gia đình là tội ác (Ảnh minh họa)

Theo thông tin từ UNICEF, một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động để loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em của tổ chức này là xây dựng Luật trẻ em mới có hiệu lực vào năm 2017. Luật này có tính đột phá và quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực cho những trẻ đang có nguy cơ và lần đầu tiên áp dụng phương pháp tiếp cận hướng tới ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trước khi hành vi xảy ra và phản ứng với bạo lực khi đã xảy ra. Thời gian tới, UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp với các Ban, ngành và các tỉnh để xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em đáp ứng nhiều hình thức và nguyên nhân bạo lực khác nhau.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và khả năng chống chịu cho cha mẹ và người chăm sóc để chấm dứt tình trạng kỷ luật bạo lực trong gia đình. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng được hỗ trợ để khuyến khích và bảo vệ con em mình khỏi bị bạo hành từ đó giúp các em chuyển tiếp một cách an toàn sang bậc học mầm non và tiểu học.

Các chuyên gia cùng chung nhận định rằng, để giải quyết vấn nạn bạo lực trẻ em, chúng ta cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em; Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.

Song song đó, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Các đơn vị cần phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật vệ bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em.

Chúng ta phải khẳng định mạnh mẽ rằng, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Bởi lẽ kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau về thể xác, những sang chấn về tâm lý dai dẳng suốt quãng đời còn lại. Thậm chí, sau những sự việc bạo hành xảy ra, có những đứa trẻ cùng quẫn phải đưa ra lựa chọn tiêu cực, từ bỏ cuộc đời, để lại sự nuối tiếc, căm phẫn cho người thân, gia đình và cả xã hội.

Vì thế, xin đừng coi việc lên tiếng bảo vệ những đứa trẻ là chuyện của riêng ai, kể cả đó là bố, mẹ đánh đập con. Chúng ta sinh ra những đứa trẻ nhưng không phải vì thế mà được quyền kiểm soát mọi hành vi, suy nghĩ của chúng và bắt chúng phải làm mọi việc đúng theo ý mình. Cũng đừng lấy tình yêu thương để ngụy biện cho hành vi bạo lực bởi đó là tội ác. Mà đã là tội ác thì tất cả mọi hành vi cần phải được răn đe và nghiêm trị. Có như thế, con trẻ mới được lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh và đong đầy yêu thương.

Trí Nhân
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động